Khởi phát âm thầm nhưng gây bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Viêm ống kẽ thận mạn là tổn thương viêm hệ thống mô kẽ và ống thận với đặc điểm khởi phát âm thầm, tiến triển chậm và hậu quả cuối cùng là dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Một số trường hợp viêm ống kẽ thận cấp tính có thể chuyển thành mạn tính, đồng thời, có thể tồn tại song song tổn thương viêm ống kẽ thận cấp tính và mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
1. Viêm thận bể thận cấp/mạn, leptospira, HIV/AIDS, lao, bệnh do virus Hanta.
2. Sarcoidosis, hội chứng Sjogren, Lupus ban đỏ, tăng cryoglobulin máu, hội chứng TINU, thải ghép mạn tính, bệnh thận IgG4.
3. Chì, thủy ngân, cadmi.
4. Tăng axit uric máu, tăng axit uric niệu, tăng canxi máu, tăng canxi niệu, tăng oxalat niệu, hạ kali máu, tăng axit methylmalonic máu
5. Đa u tủy xương, bệnh lắng đọng chuỗi nhẹ, amyloidosis, bệnh hồng cầu hình liềm
6. Bệnh thận đa nang di truyền trội, tăng cystin máu di truyền, suy cận giáp di truyền, viêm kẽ thận mạn di truyền với nang tủy thận, hội chứng Dent…
7. U, sỏi, tắc nghẽn đường ra tại bàng quang, bệnh thận trào ngược.
8. Bệnh thận Balkan, bệnh thận do thảo dược (chứa axit aristolochic), bệnh thận do tia xạ, thiếu máu, tăng huyết áp.
Người cao huyết áp, dùng thuốc Nam, thuốc giảm đau kéo dài cần chú ý
Do bệnh khởi phát âm thầm và tiến triển mạn tính (thường trong nhiều năm), do đó người bệnh phần lớn không có triệu chứng đặc hiệu và vô tình được chẩn đoán bệnh thông qua các xét nghiệm sàng lọc bệnh thận mạn tính hoặc tìm kiếm các nguyên nhân của tăng huyết áp.
Triệu chứng lâm sàng của viêm ống kẽ thận mạn phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh và mức độ tổn thương trên thận. Bệnh thường gặp ở những người: Có thời gian phơi nhiễm kéo dài với các thuốc giảm đau NSAIDs, thuốc Nam hoặc các hóa chất công nghiệp; Có tiền sử bệnh máu ác tính hoặc ung thư đang điều trị hóa chất; Có tiền sử sỏi tiết niệu, phẫu thuật tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần; Tiền sử chấn thương, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý mạn tính...
Người bệnh thường có triệu chứng: Tiểu đêm, tiểu nhiều lần trong ngày do giảm khả năng cô đặc nước tiểu; Các triệu chứng bệnh thận mạn tính: Thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, nôn, buồn nôn…
Xét nghiệm thấy: Rối loạn chức năng ống thận: Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương và vị trí tổn thương.
Tổng phân tích nước tiểu: protein niệu có thể xuất hiện, thường dưới 1.5g/ngày và không vượt quá 2.5g/ngày. Có thể có bạch cầu niệu, trụ bạch cầu, hồng cầu niệu. Mức lọc cầu thận (tính theo creatinin) có xu hướng giảm dần theo thời gian mắc bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, UIV, cắt lớp vi tính) có thể cho thấy hình ảnh tắc nghẽn đường tiết niệu, trào ngược bàng quang niệu quản, sỏi thận, canxi hóa ở thận… Ở giai đoạn muộn hơn, có thể thấy hình ảnh thận teo nhỏ kích thước, nhu mô mỏng, bờ thận gồ ghề.
Sinh thiết thận có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định viêm ống kẽ thận mạn và nguyên nhân của nó. Sinh thiết thận không phải là chỉ định bắt buộc, đặc biệt khi kích thước thận đã teo nhỏ và xơ hóa nhiều trên chẩn đoán hình ảnh. Chỉ định sinh thiết thận nên được đặt ra khi kích thước và nhu mô thận còn tương đối, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh không xác định được rõ nguyên nhân tổn thương tại thận, chức năng thận xấu đi, không đáp ứng với điều trị bảo tồn thông thường.
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận - Tiết Niệu, Bệnh viện Bạch Mai)