Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ góp phần vào việc điều chỉnh hormone phù hợp. Cân nặng giảm hoặc tăng vọt do ăn quá nhiều hoặc quá ít có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến sự thèm ăn.
Các hormone sinh sản nữ thường bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cân nặng. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt hoặc dưới ngưỡng bình thường có thể liên quan đến nguy cơ gặp các vấn đề sinh sản liên quan đến hormone cao hơn.
Hormone sinh sản không phải là thứ duy nhất có thể bị rối loạn do tiêu thụ quá nhiều hoặc dưới mức calo cần thiết. Béo phì (thường do chế độ ăn nhiều calo) có thể gây ra những thay đổi đối với hormone vùng dưới đồi và tuyến yên, dẫn đến nhiều khả năng mắc các vấn đề như suy giáp, bệnh Cushing, thiếu hụt hormone tăng trưởng...
Ăn quá nhiều đường góp phần làm tăng cân, có thể gây rối loạn nội tiết tố và ảnh hưởng xấu đến hormone của cơ thể. Một nghiên cứu trong ống nghiệm đăng trên Science Daily năm 2007 phát hiện, ăn nhiều fructose và glucose có thể làm tắt gene chịu trách nhiệm điều chỉnh estrogen và testosterone.
Theo nghiên cứu, phá vỡ sự cân bằng của các hormone sinh dục này có thể gây ra tác động, làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá, vô sinh, hội chứng buồng trứng đa nang và ung thư tử cung (nhất là ở phụ nữ thừa cân).
Rượu vang tốt cho sức khỏe nhưng thỉnh thoảng hãy uống. Uống quá nhiều rượu có thể gây ra rối loạn nội tiết tố làm gián đoạn sự liên lạc giữa hệ thống nội tiết, thần kinh và miễn dịch. Khó kiểm soát lượng đường trong máu, chuyển hóa estrogen, gặp các vấn đề về tuyến giáp, rối loạn chức năng miễn dịch và các vấn đề về hormone khác có thể bắt nguồn từ việc uống quá nhiều rượu.