Bệnh nhân Trần Văn H. (60 tuổi) trú tại xã Cẩm Phả thấy nuốt vướng, nuốt nghẹn nhiều kèm theo đau tức ngực nhẹ nên đi khám, phát hiện khối u nhỏ nằm 1/3 giữa thực quản. Kết quả sinh thiết cho thấy đây là ung thư biểu mô vảy sừng hóa độ 2.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn sớm, được chỉ định cắt và tạo hình thực quản bằng dạ dày qua phẫu thuật nội soi ngực - bụng.
ThS.BS Vũ Xuân Kiên, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây, bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn sớm tại khoa thường được chỉ định cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày qua phẫu thuật nội soi ngực kết hợp mổ mở ổ bụng.
Mặc dù đã giảm thiểu đáng kể xâm lấn so với phương pháp mổ mở truyền thống, song kỹ thuật này vẫn tồn tại nhược điểm: Bệnh nhân đau đớn với vết mổ đường bụng, phục hồi lâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng.
Để khắc phục hạn chế đó, các bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi hoàn toàn cả thì ngực và bụng để tạo hình thực quản từ dạ dày cho bệnh nhân H.
Đây là một kỹ thuật mới, chuyên sâu, chủ yếu được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật lớn, đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại.
Thực quản nằm từ cổ qua ngực xuống bụng, là vị trí kề cận nhiều cơ quan quan trọng như tim, phổi và các mạch máu lớn. Việc thực hiện mổ nội soi hoàn toàn cả thì ở ngực và bụng sẽ làm giảm sang chấn, từ đó hạn chế được biến chứng nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh sẽ tránh được đường rạch gây sẹo dài ở bụng, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục nhanh.
Đây là trường hợp ung thư thực quản được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách, kịp thời nên tăng khả năng triệt căn ung thư.
Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca mổ diễn ra thành công. Trong tuần đầu, bệnh nhân được hồi sức, hỗ trợ nuôi dưỡng đường ruột qua ống sonde. Sức khỏe bệnh nhân hiện tiến triển tích cực, có thể vận động nhẹ nhàng.