Đột quỵ tuyến yên là một bệnh lý rất nguy hiểm
Bệnh nhân T.V.C. (55 tuổi, Nam Định), vào viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội, mắt lác nhìn đôi, đái nhiều (đái nhạt), rối loạn ý thức... Kết quả chụp CT, MRI phát hiện hình ảnh u vùng hố yên đang chảy máu (đột quỵ tuyến yên). Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi qua xoang bướm lấy u tuyến yên. Ca mổ diễn biến thuận lợi, sau 90 phút phẫu thuật khối u đã được cắt bỏ. Sau 3 ngày hormon nội tiết bắt đầu hồi phục và trở về bình thường, 10 ngày bệnh nhân được ra viện.
TS.BS Nguyễn Đức Anh, Phụ trách khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E T.Ư – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân T.V.C. rất may mắn được phát hiện và điều trị kịp thời nên đã bảo tồn được chức năng của tuyến yên.
Tuyến yên là một tuyến nội tiết nằm ở trong hố yên của vùng nền sọ, xương bướm. Mặc dù có kích thước chỉ bằng hạt đỗ, khoảng 8 - 10mm, nặng chỉ 0,5g, nhưng tuyến yên có vai trò rất quan trọng do nó chi phối chức năng của hầu hết các tuyến nội tiết trong cơ thể (tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến vú, tuyến sinh dục...).
Đột quỵ tuyến yên là tình trạng u tuyến yên hoại tử chảy máu, chiếm 2 - 10% u tuyến yên nói chung, gặp nhiều hơn ở khối u có kích thước càng lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chưa rõ, nhiều tác giả cho rằng do bất thường của mạch máu trong tuyến yên, do u chèn ép vào động mạch yên trên.
U tuyến yên hoại tử, chảy máu, phù tăng nhanh dẫn đến tăng áp lực trong hố yên, có thể tới 45 - 50mmHg, chèn ép xung quanh, gây ra: (1) chèn ép xoang hang, gây ra đau đầu dữ dội, buồn nôn, thậm chí nôn vọt (chiếm tới 95% trường hợp); (2)chèn ép các dây thần kinh trong xoang hang, cạnh hố yên (dây II, III, IV, V, VI), gây ra sụp mi, lác, giảm thị lực, nhìn đôi (chiếm 70-75% trường hợp); (3) Chèn ép động mạch cảnh trong có thể gây ra nhồi máu não; (4) Chèn ép tuyến yên lành dẫn đến suy tuyến yên (chiếm 70% trường hợp, hay gặp nhất là suy tuyến thượng thận) dẫn đến tụt huyết áp, hạ đường huyết, rối loạn điện giải, hôn mê thậm chí tử vong.
Vì vậy, đột quỵ tuyến yên là một bệnh lý rất nguy hiểm, là cấp cứu của phẫu thuật thần kinh, đòi hỏi chế độ theo dõi, điều trị chặt chẽ và chính xác. Việc điều trị cần phải đảm bảo: Duy trì huyết động ổn định; Nhanh chóng bổ sung hydrocortison tránh suy thượng thận cấp và tiến hành phẫu thuật giải ép hố yên sớm mới có hy vọng phục hồi chức năng tuyến yên và chức năng thần kinh vận nhãn.
Người bị u tuyến yên cần chú ý
Theo TS.BS Nguyễn Đức Anh, u tuyến yên chiếm tỉ lệ 10-15% các u nội sọ. U tuyến yên gây rối loạn nhiều loại nội tiết tố (hormon), vì thế bệnh nhân có những biểu hiện bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh của một số chuyên khoa khác.
U tuyến yên đa phần lành tính, rất hiếm gặp u ác tính, bệnh thường thấy ở người trung niên, cũng có khi gặp ở thiếu niên, người già. Có hai nhóm u tuyến yên: u có chức năng nội tiết và u không có chức năng nội tiết. U không chức năng nội tiết không tiết ra nội tiết tố nên ít gây rối loạn về nội tiết và thường triệu chứng khiến bệnh nhân đi khám bệnh là do u chèn ép tổ chức xung quanh như nhức đầu, mờ mắt, nhìn đôi, khuyết thị trường... U có chức năng nội tiết do tăng sinh tế bào tiết ra nội tiết tố nên hay gây rối loạn chức năng nội tiết. Khối u sẽ làm bệnh nhân bị giảm hoặc tăng sinh nội tiết tố của cơ thể, dẫn đến bệnh nhân bị thiếu hoặc thừa nội tiết tố tăng trưởng, nội tiết tố sinh dục, nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố tuyến thượng thận. Đặc biệt, nếu bị suy toàn bộ tuyến yên, bệnh nhân có thể rơi vào sốc, hôn mê và tử vong...
Chảy máu u tuyến yên thường khởi phát cấp tính, nhưng cũng có một số bệnh nhân sẽ khởi phát bán cấp hoặc là từ từ. Người bệnh đột ngột bị đau đầu và vị trí đau thường tập trung ở sau ổ mắt, đôi khi cũng có thể là 2 bên trán hoặc bị lan tỏa; Nhìn mờ; giãn đồng tử, sụp mi, lác ngoài, nhìn đôi...; Suy giảm tiết hormon tuyến yên. Vì vậy, để phát hiện sớm đột quỵ tuyến yên, người có u tuyến yên và các bệnh lý liên quan đến tuyến nội tiết nên kiểm tra CT định kỳ, tránh tình trạng u vỡ gây nguy hiểm tới tính mạng.