Ba loại ngọng
Chị Vũ Hải Phương (Hà Nội) có con 5 tuổi, nhưng bé “ngọng líu ngọng lô”, quả bưởi thì bé nói “quạ bượi”, cô Thảo thì thành “cô Thạo”, con cóc thì bé nói “con óc”.
Khi chị đăng dòng trạng thái tìm lớp chữa ngọng cho con trên mạng, thì rất nhiều bố mẹ cũng vào bình luận, chia sẻ chung nỗi lo lắng như chị Phương và muốn tìm lớp cho con.
“Thực tế tôi thấy, những người nói ngọng đã bị xã hội chế giễu, chê cười, con lớn lên có thể gặp khó khăn trong công việc nên tôi muốn tìm lớp chữa ngọng cho con”, chị Phương chia sẻ.
Những câu sửa nói ngọng "hại não". |
Theo PGS.TS Hảo, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, muốn đi chữa ngọng, thì trước hết cần phải hiểu về khái niệm ngọng.
Ngọng có thể chia làm ba loại: Ngọng sinh lý, ngọng bệnh lý và ngọng xã hội.
Ngọng sinh lý tức là trẻ em khi sinh ra trong bộ não đã tiềm ẩn sự phát triển về ngôn ngữ rồi. Tuy nhiên, bộ máy phát âm chưa hoàn chỉnh và não bộ chưa ấn định và ấn tượng âm thanh. Cho nên, thường trẻ em dưới 5 tuổi 6 tuổi hầu như bé nào cũng nói ngọng.
Ngọng bệnh lý là loại ngọng xảy ra ở một số người, gây ra bởi những biến đổi của bộ máy phát âm hoặc của hệ thần kinh trung ương. Do bất thường của bộ máy phát âm, ví dụ như hở hàm ếch, liệt lưỡi, liệt môi, liệt màn hầu…
Và loại ngọng thứ 3, loại này rất quan trọng, đó là ngọng xã hội. Đây là loại ngọng mà ngay cả những người học cao, thậm chí có vị thế xã hội cũng mắc.
Ngọng xã hội hay bị chế giễu, chê cười bởi quy về ý thức tự rèn luyện kém. Ảnh minh họa. |
Theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, gọi là ngọng xã hội vì nó liên quan tới xã hội, bị xã hội đánh dấu. Thực tế, trong xã hội vẫn luôn tồn tại phương ngữ, nhưng chỉ riêng ngọng l và n bị đánh dấu, coi đó là điều không thể chấp nhận được và bị chê cười. Bởi người ta coi đó là vấn đề trình độ, quy về ý thức tự rèn luyện. Thường thì ngọng xã hội, khi qua đại học, là đã giải quyết được rồi. Còn những người vẫn chưa tự điều chỉnh được, thì bị coi là thiếu ý thức rèn luyện, không nỗ lực tự điều chỉnh.
Ngọng l, n nhất định phải sửa
Trong ba loại ngọng, PGS.TS Phạm Văn Hảo cho biết, đối với loại ngọng sinh lý bố mẹ không nên quá lo lắng. Bởi theo thời gian, lứa tuổi, khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ dần dần tự ý thức và tự điều chỉnh. Tức là cộng đồng ngôn ngữ sẽ điều chỉnh cho trẻ.
Đối với ngọng bệnh lý, thì cần phải tới bệnh viện để kiểm tra, thăm khám xem mắc bệnh gì. Giải quyết được cái “gốc” thì mới chữa được ngọng.
Riêng đối với ngọng xã hội, Theo sửa rất khó, nhưng có thể làm được. Vấn đề là phải có nỗ lực, đọc nhiều sách và có ý thức rèn luyện.
Trước ý kiến cho rằng, ngọng "n" hay "l" là phương ngữ, cũng giống như người dân Việt Bắc vẫn gọi mẹ là "mế", vùng Trung du vẫn gọi là "bầm", vùng Bình - Trị - Thiên gọi là "mạ", người miền Nam gọi là "má"... Hoặc người dân xứ Nghệ phát âm dấu ngã thành dấu nặng hoặc dấu hỏi… thì vẫn được mọi người chấp nhận như thường. Thậm chí, nó còn góp phần làm cho vốn ngữ âm thêm đa dạng và sinh động. Như vậy, việc ngọng “l”, “n” cũng không cần sửa.
Nói ngọng, đặc biệt là ngọng l, n cần phải sửa. |
PGS.TS Hảo cho rằng, những phương ngữ đó không bị xã hội đánh dấu. Còn l và n đã bị đánh dấu thì phải sửa. Và nếu không sửa, sẽ bị đánh giá sang những vấn đề khác. Ví dụ, người ta sẽ nghĩ rằng, chỉ có l, n mà anh còn không sửa được, thì uy tín của anh trong những việc khác cũng bị nghi ngờ.
Đứng từ góc độ y khoa, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, ngọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cho nên, trước khi quyết định cho con đi chữa về ngữ âm thì cần phải đi thăm khám bác sĩ.
Bởi nếu như ngọng xuất phát từ bệnh lý thì phải giải quyết được bệnh đó, ngọng mới khỏi được. Ví dụ, bệnh về hở hàm ếch, rối loạn tâm lý. Sau khi thăm khám, biết nguyên nhân rồi, bác sĩ sẽ tư vấn cần phải chữa trị như thế nào.
Chứ không phải bố mẹ cứ tự nhiên thấy con ngọng là đưa con đi tới các trung tâm đề chữa ngọng. Như vậy, vừa mất về tiền bạc, thời gian mà có thể bệnh lại không khỏi.
Lần theo địa chỉ quảng cáo trên mạng về chữa ngọng từ chia sẻ của các phụ huynh, PV đã gọi điện và được người cầm máy tư vấn, nếu bé đã 5 tuổi thì có thể theo dõi con qua việc học bảng chữ cái cùng với các bạn. Qua theo dõi, nếu các bạn đã nói được rõ ràng, trong khi con bị ngọng thì nên đưa tới trung tâm để kiểm tra.
Khi PV hỏi, trung tâm có BS để kiểm tra không thì người nghe máy giới thiệu là một cô giáo đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm. Trung tâm không có bác sĩ kiểm tra, mà chính cô giáo sẽ kiểm tra tình trạng ngọng của các cháu. Cô giáo cho biết, đã được học cơ bản về kỹ năng luyện giọng, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ học và ngôn ngữ tiếng Việt, cả kỹ năng sống.
“Thực ra ngọng không phải là một loại bệnh để phải đến gặp bác sĩ đâu. Nếu chị đưa cháu tới bệnh viện, thì cũng sẽ được các BS cho test qua bảng chữ cái thôi, xem con ngọng những lỗi nào. Cái này thuộc về ngôn ngữ, về cách đẩy hơi, khẩu hình, phải là người có chuyên môn về lĩnh vực này mới biết được. Còn các bác sĩ chủ yếu chuyên về bệnh thể xác hơn”, “cô giáo” nói.