Nợ xấu tàu cá vỏ thép đã lên tới 33%

(khoahocdoisong.vn) - Dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là khoảng 10.500 tỷ đồng, nhưng nợ xấu đã chiếm tới 33%.

NHNN cho biết đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng kí kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020. Tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.

Hiện nay, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ (về một số chính sách phát triển thủy sản) có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%, tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.

Nợ xấu tàu vỏ thép có nguyên nhân chính do chất lượng tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, thường xuyên phải nằm bờ do trục trặc kỹ thuật, không khai thác được. Phần lớn các tàu vỏ thép phải sửa chữa thường xuyên. 

Phần lớn các tàu đóng theo Nghị định 67 là tàu vỏ sắt, chi phí cho mỗi chuyến biển khá cao, lên đến 300 triệu đồng. Giá dầu tăng liên tục trong những tháng đầu năm 2019, khiến chi phí mỗi chuyến biển tăng đến 30%. Đồng thời kể chi phí tu sửa, đầu tư ngư cụ cho tàu trên 800CV mỗi năm từ vài trăm triệu đồng.

Trong khi đó, các chuyến biển khai thác không hiệu quả, nguồn lợi hải sản ở vùng biển xa đang bị suy giảm ngày càng mạnh, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định... thu nhập không bù được chi phí, khiến cho không ít tàu cá không đủ năng lực để tiếp tục ra khơi. Điều này còn dẫn đến đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng, rất nhiều tàu hậu cần không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Do vậy, Thống đốc NHNN đã đề xuất Bộ NNPTNT tham mưu cho cho Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất hiệu quả hơn. NHNN cũng kiến nghị các tỉnh phối hợp với ngành ngân hàng rà soát lại các trường hợp nợ xấu liên quan đến tàu 67. Với các trường hợp khó trả nợ do hoàn cảnh bất khả kháng thì phối hợp tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình chây ì, UBND các tỉnh cần tích cực phối hợp với ngành ngân hàng để đẩy mạnh thu hồi nợ.

Theo Đời sống
back to top