Theo Báo cáo về nợ công 2020 - dự kiến 2021 của Chính phủ gửi Quốc hội, nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,63 triệu tỷ đồng. Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi trên 360.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, đến hết năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 24,1% so với thu ngân sách và nợ ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP. Năm 2021, dự kiến chi trả nợ trực tiếp hơn 368.000 tỷ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách.
Năm 2020 là năm đặc biệt, gắn liền với dấu ấn suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch bệnh. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế dẫn đến bội chi ngân sách lớn, nợ công vì thế cũng tăng.
Mặc dù nợ công tăng, nhưng cần nhìn nhận rõ hơn về các kế hoạch vay nợ và trả nợ, với quy mô nợ khác nhau và rủi ro nợ cũng khác nhau. Vì vậy, con số nợ công tăng hay tỷ lệ nợ công tăng nhanh không phải là điều quá lo lắng.
Hiện nay, kịch bản vay nợ và trả nợ xây dựng đều nằm trong điều kiện của pháp luật và Quốc hội quy định. Cần nhấn mạnh, năm 2020, Chính phủ chấp nhận tỷ lệ trả nợ chạm ngưỡng cũng là để không đi vay thêm nhiều nợ và đảo nợ trong tương lai.
Nếu so sánh với giai đoạn 2010 - 2015, có thể thấy nợ công giai đoạn 2016 - 2020 đã được cải thiện khá nhiều. Danh mục trái phiếu chính phủ (TPCP) trong giai đoạn trước thường có thời hạn dưới 3 năm, lãi suất 11 - 12%/năm, phải đảo nợ thường xuyên. Sang giai đoạn 2016 - 2020, thời hạn danh mục TPCP đã được cải thiện lên hơn 8 năm, lãi suất 2,9%, thấp hơn lãi suất vay ưu đãi và không bị tác động tỷ giá.
Với dư nợ trong thời điểm hiện tại, nghĩa vụ trả nợ trong 10 năm tới, nợ công chưa thể vượt ngưỡng. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, đặc biệt năm 2021, Chính phủ cần phải vay nhiều để đầu tư, phục hồi nền kinh tế. Quốc hội mới đây đã xây dựng kế hoạch đầu tư công, tài chính quốc gia 5 năm tới. Do đó, GDP cũng cần được tính toán lại.
Sắp tới, Bộ tài chính sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước sẽ tính lại cung tín dụng, lượng tiền, nhu cầu đầu tư…, sau đó đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu hàng năm để thông qua sở giao dịch đấu thầu.