Ông Hoạch bên cha mẹ.
Bố mẹ dành hết tâm huyết vào con đầu lòng
Ông sinh ra vào thời kỳ đất nước có chiến tranh, cuối thời kỳ chống Pháp, gia đình nghèo khó, địa phương bị giặc chiếm đóng, cha mẹ phải cõng ông vào nơi rừng xanh núi đỏ cách nhà hàng chục cây số để tản cư tránh giặc. Ông là con đầu của cha mẹ, tuy có khó khăn về kinh tế nhưng ông vẫn được chiều chuộng quan tâm, gia đình phải ăn ngô khoai vẫn dành cho ông những hạt cơm chắt chiu, dành dụm.
Hòa bình lặp lại năm 1954, gia đình cùng dân làng được hồi hương về quê cũ, ông được chăm bẵm nuôi dưỡng lớn lên từng ngày, đến tuổi cắp sách vào trường, học lên cấp III phổ thông, gia đình vẫn cố cho ông theo học. Trường cách xa nhà hơn 20 cây số, cha mẹ dành dụm từng đồng tiền bát gạo để hàng tuần ông về mang đi lớp học, có những ngày không đủ gạo phải mang đi cả chuối xanh, khoai lang thay gạo làm bữa ăn chính hàng ngày.
Khó khăn là thế ông vẫn khắc phục học xong cấp III phổ thông và được tuyển vào đại học, đất nước lại lâm vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông không vào trường đại học mà tình nguyện tham gia vào quân đội năm 1972 rồi vào Nam chiến đấu.
Năm 1975 hòa bình lặp lại, đất nước thống nhất, ông ra quân rồi tiếp tục theo học Đại học sư phạm với khoa Sử học, sau đó ông được phân công về dạy trường cấp III tỉnh Hậu Giang. Sau 5 năm do điều kiện gia đình ông xin chuyển trường từ miền Nam ra Bắc, trong lúc còn khó khăn chưa bố trí vào dạy cấp III, ông tình nguyện vào dạy một trường cấp II trong huyện và làm Hiệu phó đến khi về hưu.
Sống vẹn tròn chữ hiếu
Ông được về hưu tại quê nhà năm 2010, trong lúc các em đều đi xây dựng kinh tế, người ở miền ngược Hà Giang, người vào Nam lập nghiệp ở tỉnh Biên Hòa, ông ở nhà cùng cha mẹ, hai cụ Đặng Văn Hách và Nguyễn Thị Nhận. Hai cụ song thọ cùng tuổi 92, tuổi cao sức yếu nhưng hai cụ vẫn còn minh mẫn.
Ông tâm sự “Khi mình còn nhỏ, được cha mẹ nuông chiều, cho ăn cho học để được thành người có ích cho xã hội, hơn 60 năm trời nay lại được về bên cùng cha mẹ hàng ngày, để được cơm bưng nước rót phụng dưỡng khi các cụ cuối đời, chắc chắn sẽ làm cho các cụ được vui khỏe và sẽ được thọ lâu hơn nữa”.
Những ngày mùa đông giá lạnh ông lo chăn ấm, gối êm, khi mùa hạ đến lại có điều hòa, quạt lạnh, những khi các cụ trái nắng trở trời, ông phục vụ thuốc thang chu đáo, luôn luôn săn sóc bên giường các cụ. Ông nhớ câu các cụ tiền nhân để lại: “phụ mẫu tại đường bất khả viễn du” – cha mẹ khi già yếu con không được đi chơi xa, việc làm của ông được cha mẹ rất vui, các cụ cũng tự hào có một người con hiếu thảo.
Ngoài việc chăm sóc cha mẹ, ông còn tham gia các tổ chức xã hội như hội cựu giáo chức, hội đồng gia tộc cấp huyện, và phụ trách công tác khuyến học của dòng họ, nhiệm vụ nào được phân công ông cũng hoàn thành.
Ông tâm sự với mọi người, một điều hạnh phúc nhất của đời tôi, đã hoàn thành nhiệm vụ của nhà nước, nay về quê hương vẫn còn cha còn mẹ, hàng ngày bên các cụ để được báo đáp công sinh thành dưỡng dục, ông nói sách thánh hiền đã dạy, phụ mẫu là “tiểu thiên địa” kia mà.
Ông Đặng Văn Hoạch là một người con có trung có hiếu, đáng để làm gương cho mọi người học tập.
Thanh Bình (Thanh Thủy, Phú Thọ)