Chồng bà phụ trách xây dựng, thường xuyên phải đi theo công trình. Cả năm có vài dịp gia đình đoàn tụ nhưng với bà, cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải biết cân bằng để người đi làm cũng như ở nhà đều cảm thấy yên tâm, vui vẻ.
Bà Tứ ngoài cùng bên trái chụp ảnh cùng chị em
Biết chia sẻ với mọi người
Bà Tứ học cao đẳng kế toán, thời trẻ bà vào Nam công tác tại Nhà máy cao su chất dẻo Hóa An, Biên Hòa (Đồng Nai). Xuất thân từ quê nghèo, quanh năm thiếu thốn nên bà Tứ chăm chỉ, cần cù làm việc, được nhiều người quý trọng. Tại cơ quan, bà thường đi làm sớm hơn, về muộn hơn, việc gì khó, đòi hỏi nhiều công sức bà đều nhận làm.
Bà nói: “Ai cũng có thời tuổi trẻ. Khi sức dài, vai rộng không gánh vác việc nặng, việc khó thì để lúc yếu mới làm sao? Mai sau mình cũng già, cũng có con thì lại dựa vào các em, các cháu”. Chính cách sống nhường nhịn đó mà khi có gia đình, sinh con nhỏ, con cái ốm đau, bà Tứ được anh chị em cùng cơ quan đỡ đần công việc, đến thăm hỏi hoặc cùng trông đỡ cháu nhỏ.
Là người Bắc vào Nam lập nghiệp, bà quen dần với cách sống: bán ánh em xa, mua láng giềng gần. Việc chung của ngõ xóm cũng là việc của mình. Từ làm đường, làm ngõ, đóng góp để thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bà đều lăn vào.
Nhiều lần bà được bầu làm tổ trưởng dân phố nhưng bà từ chối vì ngại “quyền chức”. Ấy thế nhưng khi tổ trưởng, tổ phó bận là bà nhận giúp đỡ đi thu tiền, nhắc nhở các gia đình đưa con đi tiêm chủng, đến nỗi nơi bà cư trú, nhiều người cứ tưởng bà là tổ trưởng dân phố.
Xung phong nghỉ chế độ nhường thuận lợi cho người khác
Khi nhà nước bước vào thời kỳ chuyển đổi, nhà máy nơi bà Tứ làm việc gặp khó khăn, bà là một trong những người đầu tiên xung phong nghỉ chế độ. Nhiều người nhìn hoàn cảnh của bà mà ái ngại vì con nhỏ, chồng làm bộ đội, thu nhập chẳng đáng là bao, nhà cửa chưa có, đang phải thuê ngoài…
Bà Tứ cười: “Lúc đó tôi đã bàn với chồng, vợ chồng tôi nhất trí, hai vợ chồng còn trẻ nên còn nhiều cơ hội. Cơ quan khó khăn, nếu cố bấu víu thì cuộc sống cũng không khá hơn gì, mình rời bỏ cơ quan cho con thuyền bớt nặng. Ép mình vào chỗ chết thì mình sẽ sống”. Sau khi thôi việc, bà cùng chồng khăn gói ra Bắc, bắt đầu một trang mới của cuộc đời.
Vất vả kiếm sống nhưng vui
Chọn Hà Nội là nơi khởi nghiệp lại, bà Tứ thấy khó khăn chồng khó khăn chứ không tươi hồng như những gì bà nghĩ. Ở nhờ nhà chị gái, bà không ngại ngần ra chợ mua hoa quả để bán. Lúc đầu chồng phụ giúp việc lấy hàng, bà ngồi bán nào dưa hấu, đu đủ.
Lúc bán kèm cả bánh trôi, tiết bò, tiết lợn luộc. Có duyên bán hàng, ăn nói lọt tai, xởi lởi với khách nên quán bà lúc nào cũng đông. Có đồng ra đồng vào, thấm thoắt bà mua được nhà. Bà nói, làm ngoài vất vả nhưng thu nhập khá, cuộc sống ổn định.
Con đầu lớn, bà sinh thêm cháu thứ hai. Vì vất vả nên khi sinh, cháu hay ốm đau, bà thường xuyên phải nghỉ chợ. Nghĩ tới tương lai và sức khỏe của con, bà đóng quán, về quê chăm sóc con cho khỏe mạnh.
Vợ nghỉ chợ, chồng bà xin đi làm xây dựng. Công việc làm ngoài trời vất vả, bà nói, cuộc sống là vậy, không ai được trời cho cả. Ở nhà chăm sóc con vài năm, bà Tứ tranh thủ nhận ruộng về làm, nuôi thêm lợn, gà bán tăng thu nhập.
Cuốc sống êm đềm ở quê ngấm dần trở lại vào máu bà. Cứ như vậy bà không muốn rời quê nữa. Một mình chăm sóc hai con, chồng đi làm xa, thỉnh thoảng về nhà đỡ đần bà sửa sang nhà cửa, làm thêm cái nhà tắm, vệ sinh, lát lại cái sân. Đến nay nhà cửa cao ráo thì cũng là lúc con lớn lấy vợ, lập nghiệp ở Hà Nội. Con nhỏ đi học xa, chồng bà vì cuộc sống vẫn bươn chải.
Ở tuổi trên 50, sung sướng, vất vả đều có, nhìn lại bà thấy, tiền của bao nhiêu cũng thiếu nhưng cái quý nhất là sức khỏe, gia đình vui vẻ, con cái có công ăn việc làm, mấy thứ đó bà đã có nên nhìn bà lúc nào cũng vui. Được nghỉ ngơi ở tuổi này, bà thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của xã, tham gia câu lạc bộ bóng chuyền để nâng cao sức khỏe.
Say xưa với công tác xã hội, hàng ngày bà vẫn gọi điện cho chồng, con để biết mọi người vẫn khỏe. Vừa rồi nghe tin cháu ốm, bà gác tất cả các hoạt động lại, chuẩn bị khăn gói lên Hà Nội chăm cháu. Chồng bà đang công tác ở Sơn La cũng sấp ngửa bắt xe về.
May sao, cháu chỉ ốm loàng xoàng, lại ăn, lại chơi nên bà không phải lên trông nữa. Bà bảo, giờ chỉ loanh quanh mấy việc, thế mà hết ngày, chả trách nhanh già quá! Câu nói cửa miệng đó của bà khiến mọi người phải phì cười vì dù 53 tuổi nhưng trông bà chỉ tầm gần 40 thôi.
Đỗ Thị Hương