<div> <p><span class="bold">Liên minh AOL Time Warner trị giá 165 tỷ USD</span></p> <p>Thế giới truyện tranh nước Mỹ có hai thế lực đối đầu nhau suốt chiều dài tồn tại của nó, đó là Marvel và DC Comics. Ở thời đại của truyền hình và điện ảnh, cuộc chiến này đã được nâng tầm lên thành loạt phim siêu anh hùng khiến fan của hai bên phấn khích tột độ.</p> <p>Sở dĩ Marvel và DC Comics có thể ‘kè’ nhau năm này qua năm khác là nhờ các đế chế khổng lồ đứng sau. Với Marvel là Disney còn DC Comics là WarnerMedia, tiền thân của Time Warner sau này. </p> <p>Để hiểu câu chuyện này, trước tiên chúng ta phải ngược dòng trở lại những năm cuối thế kỷ 20. Khi đó, các ông lớn truyền hình, truyền thông của Mỹ chịu nhiều sức ép tăng trưởng trong bối cảnh bùng nổ Internet. Nhiều tên tuổi lớn đã sáp nhập nhằm củng cố sức mạnh và gia tăng thị phần nhanh chóng.</p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Những thương vụ thâu tóm thất bại trong giới công nghệ Mỹ" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/25/ict-imgs-vgcloud-vn_nhung-thuong-vu-thau-tom-that-bai-trong-gioi-cong-nghe-my-1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">CEO Gerald Levin của Time Warner (trái) và CEO Stephen Case của America Online (AOL) ăn mừng thỏa thuận lịch sử năm 2000.</td> </tr> </tbody> </table> <p>Năm 1989, Time Inc. và Warner Communications Inc. có ý định tiến hành vụ sáp nhập lịch sử để tạo ra một liên minh sở hữu các tài sản trải dài từ xuất bản, truyền hình cáp đến sản xuất phim. </p> <p>Đối thủ Paramount đã cố gắng ngăn chặn vụ sáp nhập nhưng bất thành, kết quả là liên minh Time Warner đã ra đời năm 1990 với giá trị thị trường khi đó vào khoảng 15,2 tỷ USD. </p> <p>Time Warner đã rất mạnh nhưng nó vẫn chưa là gì trước sức ép tăng trưởng nóng cuối thời kỳ bong bóng dot-com, khi mọi thứ đều được chuyển dịch lên Internet. Năm 2000, cái tên vô cùng phổ biến với người Mỹ vào thời đó là AOL đã đưa ra đề nghị mua lại Time Warner với giá trị 165 tỷ USD. </p> <p>Đầu năm 2001, liên doanh mới có tên AOL Time Warner chính thức ra đời và trở thành vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, tạo ra một công ty mới có giá trị tới 360 tỷ USD.</p> <p>Tuy nhiên, sau khi kết liên minh, AOL Time Warner chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bong bóng dot-com chính thức phát nổ. Năm 2002, công ty báo cáo khoản thua lỗ kỷ lục 99 tỷ USD và tiếp tục chịu thua lỗ thêm vài năm nữa trước khi chia tách lại như cũ. </p> <p>Năm 2009, Time Warner và AOL chính thức đường ai nấy đi, trở thành thương vụ sáp nhập thất bại nặng nề nhất trong lịch sử ICT của Mỹ. Năm 2015, hãng viễn thông Verizon chấp nhận mua lại AOL với cái giá bèo bọt 4,4 tỷ USD. </p> <p>AOL cùng với Yahoo chính là hai biểu tượng còn sót lại của thời kỳ bong bóng dot-com được Verizon thâu tóm và hợp nhất dưới quyền điều hành của Verizon Media. </p> <p>Sang năm 2016, đến lượt Time Warner cũng bị hãng viễn thông AT&T mua lại với giá 85,4 tỷ USD và được đổi tên thành WarnerMedia như chúng ta đã biết. </p> <p><span class="bold">Liên minh Sprint Nextel trị giá 35 tỷ USD</span></p> <p>Tương tự như truyền hình và truyền thông, các hãng viễn thông lớn của Mỹ cũng bắt đầu công cuộc sáp nhập vào đầu thế kỷ 21 để củng cố sức mạnh hòng thâu tóm thị phần nhanh chóng.</p> <p>Năm 2004, hai nhà mạng viễn thông lớn thứ ba và thứ năm của Mỹ là Sprint và Nextel đồng ý đi đến một thỏa thuận sáp nhập. </p> <p>Năm 2005, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ (FCC) phê chuẩn việc sáp nhập Sprint và Nextel trị giá 35 tỷ USD để tạo ra nhà mạng mới Sprint Nextel với 40 triệu khách hàng.</p> <div class="box-adv d-none d-xl-block box-taitro clearfix" id="ads-zone-63"> </div> <p>Sprint Nextel tràn trề hy vọng lật đổ sự thống trị của AT&T và Verizon, những nhà mạng viễn thông lớn nhất nước Mỹ khi đó. </p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Những thương vụ thâu tóm thất bại trong giới công nghệ Mỹ" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/25/ict-imgs-vgcloud-vn_nhung-thuong-vu-thau-tom-that-bai-trong-gioi-cong-nghe-my-2.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">Các lãnh đạo của Sprint và Nextel trong ngày công bố thỏa thuận quan trọng.</td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhưng sau sáp nhập, tất cả những gì Sprint Nextel làm được là mất dần hàng triệu khách hàng và suy giảm lợi nhuận nhanh chóng. Lý do bởi văn hóa làm việc khác biệt giữa hai công ty trước khi hợp nhất đã tạo ra những đứt gãy trong hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng.</p> <p>Năm 2008, Sprint Nextel báo cáo khoản thua lỗ kỷ lục 29,45 tỷ USD khi cố gắng giữ chân 53,8 triệu khách hàng và đang mất cả những nhân sự cấp cao nhanh như cách khách hàng rời bỏ công ty.</p> <p>Năm 2013, SoftBank của Nhật Bản nhảy vào thương vụ mua lại Sprint Nextel với giá 22 tỷ USD và xóa sổ cái tên Nextel. Đến năm 2020, T-Mobile hoàn tất thương vụ sáp nhập với Sprint trị giá 26 tỷ USD và cũng xóa nốt cái tên Sprint. </p> <p>Liên minh Sprint Nextel năm nào giờ đây đã trở thành một phần của T-Mobile, nhà mạng viễn thông lớn thứ ba của Mỹ. Nhưng thương vụ Sprint Nextel vẫn được nhớ đến như là vụ sáp nhập thất bại lớn nhất ngành viễn thông. </p> <p><span class="bold">Big Tech mở rộng mảng điện thoại</span></p> <p>Không hẹn mà gặp, cả hai ông lớn công nghệ Mỹ là Google và Microsoft đều sa chân vào mảng điện thoại thông minh và thất bại nặng nề.</p> <p>Bắt đầu với gã khổng lồ tìm kiếm Google vào năm 2012. Khi đó Android đã trở thành một đối trọng đủ mạnh để cạnh tranh với iOS, còn bản thân Google cũng bán các dòng điện thoại mang thương hiệu Nexus bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc như HTC, Asus, Samsung, LG và Motorola.</p> <p>Cuối cùng, Google nảy ra ý tưởng mua lại Motorola Mobility nhằm bảo vệ hãng khỏi các vụ kiện tụng nhờ kho bằng sáng chế khổng lồ của hãng điện thoại này. </p> <p>Năm 2012, Google bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua đứt toàn bộ Motorola và đặt mảng kinh doanh smartphone dưới thương hiệu này. Nhưng cũng chỉ hai năm sau, Google đã bán ‘xác’ Motorola cho Lenovo với giá 2,91 tỷ USD dù giữ lại được phần ‘ruột’, tức kho bằng sáng chế.</p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Những thương vụ thâu tóm thất bại trong giới công nghệ Mỹ" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/25/ict-imgs-vgcloud-vn_nhung-thuong-vu-thau-tom-that-bai-trong-gioi-cong-nghe-my.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">CEO Satya Nadella của Microsoft (trái) trò chuyện cùng CEO Stephen Elop của Nokia ở thời khắc lịch sử khi Microsoft thâu tóm mảng di động của Nokia.</td> </tr> </tbody> </table> <p>Cũng trong năm đó, gã khổng lồ phần mềm Microsoft bắt đầu dấn thân sâu hơn vào thị trường di động với nền tảng là mối quan hệ hợp tác trước đó với Nokia trên dòng sản phẩm Lumia chạy Windows Phone.</p> <p>Khi đó, Microsoft quyết định bỏ 7,2 tỷ USD thâu tóm mảng di động của Nokia cùng thỏa thuận kéo dài 10 năm bán các dòng điện thoại của Nokia.</p> <p>Tuy vậy, chỉ một năm sau mua lại, Microsoft báo lỗ 7,6 tỷ USD và cắt giảm 7.800 nhân sự Nokia. Doanh số bán ra của điện thoại Windows Phone sau đó cũng không khả quan dẫn tới việc Microsoft đành cắn răng bán lại Nokia cho chính… Nokia Phần Lan (HMD Global) với giá 350 triệu USD, trở thành thương vụ mua bán thất bại nặng nề nhất trong lịch sử Microsoft. </p> <p> </p> </div> <p> </p>