Kẽm: Lượng kẽm có trong cơ thể nhiều hay ít ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ sinh hoạt tình dục, sinh lực và khả năng duy trì nòi giống ở nam giới. Nếu lượng kẽm không được đảm bảo thì số lượng tinh trùng giảm từ 40 -50%, có thể làm mất khả năng sinh sản.
Kẽm được đánh giá là chất có khả năng làm tăng quá trình sản xuất hormon testosterone, giúp tăng khả năng ham muốn của nam giới, số lượng cũng như khả năng di chuyển của tinh trùng. Sự thiếu hụt kẽm sẽ làm chỉ số testosterone sụt giảm, hậu quả là hệ thống cơ bắp giảm sút, không còn săn chắc và khỏe mạnh do đó sinh lý đàn ông cũng bị giảm sút một cách đáng kể. Ở nữ giới kẽm có tác dụng thúc đẩy sự rụng trứng và khả năng thụ thai. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm: hàu, sò, thịt bò, cừu, gà, lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua…trong đó nhiều nhất là hàu.
Axit béo Omega 3: Đóng vai trò quan trọng giúp kích thích các hormon trong cơ thể. Để tăng khả năng thụ thai, nên đảm bảo cung cấp khoảng 1000 – 2000mg axit béo omega 3 trong chế độ dinh dưỡng. Không những vậy, khi bổ sung đủ lượng omega 3 cần thiết trước khi mang thai sẽ giúp bé phát triển vượt trội cả trong và sau thai kỳ. Axit béo Omega-3 bao gồm 3 dạng: DHA (axit docosahexaenoic), ALA (axit alpha-linolenic) và EPA (axit eicosapentaenoic), chúng có trong các loại thực phẩm sau :
- Cá nước lạnh: Cá hồi tự nhiên, cá mòi, cá trích…
- Các loại dầu thực vật: Dầu đậu nành, dầu hạt cải , hướng dương, dầu oliu….
- Quả óc chó, hạnh nhân, lạc vừng..
- Các sản phẩm từ đậu nành: đậu phụ, sữa đậu nành,…
Protein: Theo nghiên cứu, những cặp vợ chồng có chế độ dinh dưỡng giàu protein và hàm lượng carbonhydrat ( gluxxit) thấp có khả năng thụ thai cao gấp đôi những cặp có thực đơn hàng ngày với hàm lượng carbonhydrat cao và protein thấp. Chế độ protein cao sẽ giúp nâng cao chất lượng trứng và giúp tinh trùng hoạt động hiệu quả hơn.
Lòng trắng trứng, thịt gia cầm, cá và các loại đậu là những nguồn protein chất lượng cao bạn nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày.
Axit folic: Trong danh sách “ăn gì để dễ thụ thai” không thể thiếu các loại thực phẩm có chứa axit folic. Trước khi có ý định mang thai phụ nữ cần 400 microgam axit folic mỗi ngày. Bổ sung đều đặn vi chất này trước 3 tháng thụ thai sẽ đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của hệ thần kinh cho bé, tránh dị tật nứt đốt sống và thai vô sọ. Nguồn thực phẩm giàu axit folic: trái cây họ cam quýt, ngũ cốc nguyên hạt và rau lá xanh như cải bó xôi, súp lơ xanh, rau diếp, xà lách…
Vitamin B6: Với phụ nữ, vitamin B6 giúp ngăn ngừa các triệu chứng thai nghén, trước khi thụ thai phụ nữ cần hấp thụ khoảng 10mg vitamin B6 mỗi ngày.
Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm như hạt hạnh nhân, hạt hướng dương và trong các loại trái cây quen thuộc miền nhiệt đới như cam và dâu tây, chuối
Vitamin E: Vitamin E là thành phần chủ chốt giúp cải thiện chức năng và sức khỏe của tế bào, là hợp chất thiết yếu được tìm thấy trong tinh trùng và trứng. Ngoài việc bảo vệ màng tế bào chống lại tác hại của các gốc tự do, vitamin E cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa hiệu quả giúp cải thiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra vitamin E còn góp phần cải thiện khả năng tình dục, giúp noãn (trứng) và tinh trùng phát triển tốt hơn. Vitamin E có tác dụng chống lại tác động phá hủy màng tế bào tinh trùng của các gốc tự do. Do vậy, vitamin E được chỉ định dùng cho các trường hợp tinh trùng kém chất lượng cũng như chức năng của tinh trùng bị suy giảm. Các loại thực phẩm giàu vitamin E : mầm các loại hạt ngũ cốc, giá sống, một số loại rau, trong các hạt nhiều dầu như dầu mè, đậu phộng, đậu nành, hạt hướng dương, quả bơ
ThS. BS Lê Thị Hải
(nguyên Trưởng phòng khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng QG)