Những thói quen xấu khiến răng bị ố vàng

Chính những thói quen hàng ngày lại khiến cho hàm răng của chúng ta ố vàng, mất màu, mất thẩm mỹ, bỏ ngay những thói quen này để có hàm răng trắng, sáng.

Chải răng dùng lực quá mạnh

Nhiều người có quan niệm sai, đánh răng càng dùng lực mạnh thì răng sẽ sạch và trắng hơn. Tuy nhiên, đó là một biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình vệ sinh răng miệng, gây tác động mạnh lên răng.

Nếu chúng ta đánh răng quá nhiều lần và dùng lực mạnh, thì men răng và nướu có thể bị bào mòn. Khi men răng bị mòn, răng sẽ không được bảo vệ đầy đủ và có thể dẫn đến tình trạng răng ố vàng.

Không đánh mặt bên trong của răng

Nhiều người chỉ quan tâm đến việc chải răng bên ngoài mà bỏ qua vệ sinh răng bên trong, điều này khiến cho mảng bám bên trong răng không được loại bỏ hoàn toàn. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến các bệnh lý như nha chu, viêm nướu, hôi miệng và răng ố vàng. Vì vậy, chúng ta cần vệ sinh răng cả bên trong và bên ngoài để bảo vệ hàm răng một cách tốt nhất.

Sử dụng nước súc miệng chứa nhiều axit

Nhiều người thường dùng các loại nước súc miệng chứa nhiều axit để làm trắng răng, nhưng việc sử dụng quá nhiều có thể làm hao mòn men răng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ra tình trạng răng ố vàng. Chúng ta nên chọn loại nước súc miệng có độ pH phù hợp, thích hợp với tình trạng răng miệng và không sử dụng quá mức.

Đánh răng ngay sau khi ăn

Đánh răng sau khi ăn là điều quan trọng, nhưng chúng ta cần biết thời điểm phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc vệ sinh răng miệng.

Sau khi ăn, mức độ axit trong miệng tăng lên và độ pH giảm xuống. Nếu chúng ta đánh răng ngay lập tức, axit sẽ thấm sâu vào răng, làm tăng nguy cơ mài mòn răng và dẫn đến tình trạng răng ố vàng.

Theo các chuyên gia, chúng ta nên đánh răng sau khi ăn 30 – 60 phút, để đạt được hiệu quả tốt nhất. Trong khoảng thời gian này, độ pH trong miệng đã trở lại cân bằng, mức độ axit giảm, và men răng trở nên cứng hơn, giúp bảo vệ răng khỏi bị bào mòn.

Mở miệng trong khi ngủ

Khi ngủ mở miệng, miệng sẽ trở nên khô và thiếu nước bọt để duy trì độ pH cân bằng trong miệng. Điều này tạo điều kiện cho răng bị ố vàng. Nếu cơ thể thiếu nước bọt, men răng sẽ giảm và răng sẽ nhanh chóng bị ố vàng. Quá trình kết hợp của enzim, khoáng chất và oxy giúp làm giảm tác động axit ăn mòn lên men răng.

Theo Đời sống
back to top