Những thay đổi về đăng ký thường trú, tạm trú từ ngày 01/7/2021

(khoahocdoisong.vn) - Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.

Chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này sẽ giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ trên khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Theo đó, kề từ ngày 1/7/2021, chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú. Thay vào đó, người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú (ĐKTT), tạm trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi cư trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như quy định trước đây.

Kề từ ngày 01/7/2021, chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú.

Kề từ ngày 01/7/2021, chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú.

Lưu ý, kể từ ngày 1/7/2021, Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Đáng quan tâm, các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã bị bãi bỏ. Điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau. Cụ thể, sẽ không còn quy định riêng đối với trường hợp ĐKTT tại thành phố trực thuộc trung ương, kể cả ĐKTT tại TPHCM và Thủ đô Hà Nội. Theo đó, người dân chỉ cần có 1 trong 8 điều kiện theo quy định mới tại Điều 20 Luật Cư trú để ĐKTT.

Các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú

Bên cạnh đó, Luật Cư trú 2020 cũng bổ sung quy định về quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú (là những người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…). Việc bổ sung quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người dân, giúp cơ quan nhà nước nắm được tình hình của nhóm người này và có phương án hỗ trợ họ.

Theo khoản 1 điều 22 Luật Cư trú năm 2006 hiện hành, những người thuộc diện sau sẽ bị xóa đăng ký thường trú: Chết, bị toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú; ra nước ngoài để định cư, đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới.

Luật Cư trú 2020 có hiệu lực bổ sung thêm các quy định người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú gồm:

Trường hợp 1 do chết, có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết; Trường hợp 2 ra nước ngoài để định cư; Trường hợp 3 là Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 35 Luật Cư trú 2020.

Trường hợp 4: Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

Trường hợp 5: Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, trước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp 6: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp 8.

Trường hợp 7: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyền quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhà và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp 8.

Trường hợp 8: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Trường hợp 9: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 2 Luật Cư trú 2020, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú; Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Cơ quan đã đăng ký thường trú có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo Đời sống
back to top