Nhịn ăn gây kém minh mẫn, rụng tóc
Trong một trò chuyện ngắn của chúng tôi với 10 người đang muốn giảm cân thì có đến 8 người đã áp dụng phương pháp nhịn ăn. Trong đó có người nhịn ăn sáng, nhịn ăn trưa, điển hình nhất vẫn là nhịn ăn tối.
Chị Nguyễn Hồng Lan (Ba Đình, Hà Nội) là một người trong số đó. Chị cho hay, sau khi cai sữa con chị nặng lên 65kg. Để giảm cân, chị đã nhịn ăn cơm trưa và tối, chỉ uống nước canh hoặc ăn các loại rau, hoa quả trừ bữa. Sau khi áp dụng khoảng 1 tháng, chị cũng giảm được khoảng 2kg.
Nhưng cũng những chia sẻ của nhân vật trên cho hay, việc nhịn ăn khiến chị như bị một cực hình. Bởi, cơ thể lúc nào cũng cảm giác thèm ăn, khó chịu, buồn miệng. Nhịn ăn cũng khiến chị thấy uể oải, mệt mỏi, không minh mẫn như trước.
Trao đổi về vấn đề này, BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Khoa Nội, Viện Quân y 103 cho rằng, nếu làm một thống kê thì có khoảng hơn 50% phụ nữ muốn giảm cân đều đã qua nhịn ăn. Nhưng trên thực tế, cách này không thể áp dụng lâu dài và không mang lại hiệu quả. Thậm chí có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về lâu dài.
Các biểu hiện như luôn cảm thấy đói, thèm ăn, muốn ăn cái gì đó mà như chúng ta hay nói là buồn miệng chính là sự điều chỉnh của cơ thể. Khi nhịn ăn cơm, cơ thể không có nguyên liệu để chuyển hóa thành năng lượng nuôi các bộ phận. Lúc này, các đầu dây thần kinh làm việc để kích thích cảm giác thèm ăn nhằm được cung cấp năng lượng vào người.
Ngoài ra, các biểu hiện uể oải, mệt mỏi chính là do thiếu năng lượng chuyển hóa. Hay nói cách khác, các bộ phận bị thiếu năng lượng nên hoạt động sẽ kém đi. Đây là yếu tố tất yếu. Đáng nói hơn, đây chỉ là biểu hiện bên ngoài, còn các bộ phận khác ảnh hưởng nặng nề hơn.
Giảm cân bằng cách chuyển mỡ thành cơ
BS Phạm Thái Nguyên phân tích sâu hơn: Năng lượng từ cơm hay các thực phẩm được đưa vào cơ thể để chuyển hóa thành đường. Đường lại tiếp tục được đưa vào để chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ thể duy trì hoạt động và phát triển. Khi nhịn ăn, lượng đường không còn thì cơ thể sẽ tự động dùng đường có trong gan ra để bù đắp khi thiếu hụt. Nếu chỉ ở mức một hai lần thì có thể không ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu lâu dài, hàm lượng đường trong gan cũng suy giảm thì nguy hiểm sẽ xảy ra.
Ban đầu, gan sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến suy, nhiễm độc. Tiếp đến các bộ phận khác cũng suy giảm năng lượng nên làm việc kém. Như, cơ bắp suy giảm, tim đập yếu, máu được đưa đi nuôi cơ thể giảm, bản thân các chất đi nuôi cơ thể cũng không còn. Do đó, sẽ kéo theo hàng loạt các ảnh hưởng. Phụ nữ giai đoạn sinh nở, nếu giảm cân bằng nhịn ăn thì thiếu máu, da kém hồng hào, thậm chí vô sinh…
Đồng quan điểm, huấn luyện viên cá nhân Lê Thực, Quán quân chương trình Sasuke Việt Nam mùa thứ 2 cho biết, muốn giảm cân không phải nhịn ăn. Bởi nhịn ăn sẽ không có năng lượng tái tạo, cấu trúc nên cơ. Do đó, nếu giảm cân chỉ là giảm nước, suy dinh dưỡng chứ không phải giảm cân lành mạnh bằng cách chuyển hóa mỡ thành cơ.
Thay vào đó, muốn giảm cân an toàn cần tập luyện để chuyển đổi mỡ thành cơ. Cần có các bài tập cho toàn cơ thể, không duy trì riêng một bộ phần nào. Ví dụ, chị này thấy béo và bụng to thì vẫn cần tập bài tập đều cho các bộ phận từ tay, bụng, đùi… chứ không chỉ riêng tập cho phần bụng.
Đồng thời, quá trình tập vẫn ăn uống nhưng cần tăng cường các thành phần giúp tăng cơ theo các chế độ ăn do huấn luyện viên lập ra cho từng người. Ví dụ ăn thêm thịt bò, trứng, thịt nạc, rau củ quả, hạn chế chất mỡ, đường…
“Các nguy cơ nhãn tiền là rụng tóc, cơ thể suy kiệt, suy giảm các chức năng của cơ thể. Chỉ mới bước đầu, cơ thể đã đòi hỏi phải ăn bù để khỏa lấp phần thiếu hụt. Do đó, nếu ở môi trường sống bình thường, chúng ta thường có xu hướng ăn nhiều hơn sau bữa nhịn. Vì thế, việc giảm cân không ổn định, lâu dài mà bệnh vẫn rước vào”, BS Phạm Thái Nguyên nói.
Hà Trang