Những sự cố môi trường 2019

(khoahocdoisong.vn) - Hàng loạt sự số môi trường nghiêm trọng xảy ra trong năm 2019, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trong khi đó, vẫn chưa thể có giải pháp nào tối ưu khắc phục.

Cháy nhà máy Rạng Đông, thủy ngân phát tán ra môi trường

Vào khoảng 18h30 ngày 28/8, vụ cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). 

Đến ngày 8/9, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy đêm 28/8 có chứa thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn so với viên amalgam). Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân sinh sống, làm việc quanh khu vực xảy cháy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hoá chất, có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Sau đó, việc tẩy độc khu vực cháy được Binh chủng Hóa học thực hiện.

Ngập lịch sử ở Phú Quốc

Ngày 8-9/8, Phú Quốc có mưa lớn liên tục và triều cường dâng cao gây ngập cục bộ một số nơi. Trận mưa ngập lịch sử gây thiệt hại hơn 107 tỷ đồng cho Phú Quốc. Theo UBND huyện Phú Quốc, trận ngập lịch sử lần này do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Lượng mưa rất lớn ( từ 1-9/8, tổng lượng mưa đạt 1.170mm) cùng với tình trạng nước biển dâng cao khiến việc tiêu thoát nước ra biển bị cản trở. Mặt khác, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông đã được xây dựng từ 16 năm trước, chỉ phù hợp với mật độ dân cư ít ỏi lúc đó. Nhiều chuyên gia nhận định ngoài nguyên nhân thời tiết cực đoan, vấn đề còn có thể xuất phát từ tác động của con người. Phú Quốc hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với gần 300 dự án đầu tư, tổng số vốn khoảng 370.000 tỷ đồng.

Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng

Ngày 10/10, người dân 8 quận, huyện ở Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi lạ khó chịu. Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn. 

Nước nhiễm dầu ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân

Nước nhiễm dầu ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân

Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm đổ dầu thải là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú. Số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án.

Hơn 2 tuần sau khi xảy ra vụ nước sinh hoạt nhiễm dầu, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà đưa ra lời xin lỗi và cho biết sẽ miễn phí 1 tháng tiền nước cho khách hàng. Viwasupco thừa nhận chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân. Viwasupco đưa ra lời cam kết sẽ có các phương án ứng phó cho tất cả các tình huống khẩn cấp, căn cứ trên các phương án ấy để lập kế hoạch ổn định trong mua sắm, trang thiết bị và tuyển dụng đào tạo nhân sự, nhằm đảm bảo cung cấp nước ổn định cho người dân, với chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Không khí ô nhiễm đến mức báo động

Trong các tháng 10, 11, 12, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM trở nên báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Tổng cục Môi trường đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Đáng lưu ý là nồng độ bụi mịn PM2.5 đều tăng dần qua các ngày vừa qua, trong đó thời điểm ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao thường vào lúc nửa đêm. Cũng theo Tổng cục Môi trường, ngoài những nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí như khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, xây dựng, đào đường chưa ngăn được các nguồn gây ô nhiễm, trong những ngày gần đây vẫn có thời điểm xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến nguồn ô nhiễm bị "nén" ở các tầng thấp trong không khí.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Ngày 19/12, Bộ Tài  nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị một số giải pháp chống ô nhiễm trước mắt như phun nước nhiều lần trong ngày để hạn chế phát tán bụi, hạn chế phương tiện cá nhân đi qua một số tuyến phố để giảm áp lực giao thông; phân làn để hạn chế xe ngoại tỉnh...

Các giải pháp lâu dài cũng được đưa ra như: Hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan. Đặc biệt là việc sử dụng xe cũ, không kiểm soát khí thải, xe chở vật liệu xây dựng, mang bùn đất vào thành phố... Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện môi trường, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong. Tuyên truyền, hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ, tuyệt đối không đối chất thải nguy hại.

Những dòng sông cạn kiệt

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay, trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ lượng dòng chảy đang thiếu hụt từ 20-80% so với trung bình nhiều năm. Các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt từ 30-50%, có sông thiếu hụt trên 60%. Các hồ chứa hồ thủy điện vừa và lớn trên toàn quốc đều không đạt mực nước dâng bình thường. Tổng dung tích các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà chỉ đạt 65-85% dung tích thiết kế; các hồ ở khu vực Bắc Trung Bộ đạt khoảng 70-90%, Trung Trung Bộ đạt khoảng 40-70%, Nam Trung Bộ đạt khoảng 55-82%, khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 80-90%.

Đối với sông Mê Kông trong mùa lũ năm 2019, lưu lượng dòng chảy vùng thượng nguồn về hạ lưu luôn ở mức thấp hơn TBNN. Từ 15/8-05/9, ở trung hạ lưu sông Mê Kông xuất hiện 01 đợt lũ, mực nước đỉnh lũ tại một số trạm chính đều vượt mức báo động lũ, sau đó xuống nhanh. Tổng lượng dòng chảy trong tháng 8-10/2019 tại trạm Kratie (Campuchia) đạt khoảng 135 tỉ m3 thiếu hụt so với TBNN khoảng 82 tỉ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 112 tỉ m3. Hiện nay, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-3,0m và nhiều trạm đã ở mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Lùm xùm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor do Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) thực hiện bắt đầu từ ngày 16/5 trên một đoạn sông khoảng 300 m. Ngoài khu thí điểm dưới lòng sông, các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt thêm bốn bể chứa, mỗi bể rộng khoảng 15 m2 để trình diễn tắm và thả cá Koi, cá chép Tam Dương ở bể nước đã qua xử lý.  Đến ngày 10/11 thì hoàn thành thí điểm và phía JEBO tiến hành tháo dỡ. Ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết chính quyền thủ đô đã nghiên cứu các phương án làm sạch sông Tô Lịch. Ông Dục đánh giá phương án dùng công nghệ Nano-Bioreator "chưa thành công" và thành phố đang xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông để đưa về xử lý tại nhà máy Yên Xá. Dự kiến năm 2021 hệ thống này hoàn thành, giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

Thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch.

Thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch.

Ngày 1/12, phản hồi ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội, ông Tadashi Yamamura, Chủ tịch JEBO cho rằng kết quả thí điểm "đã đạt được mục tiêu đặt ra và thành công như dự kiến. Phát biểu của Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội là vô căn cứ, không hiểu mục tiêu". Tổ chức của Nhật Bản dự tính đầu tư 100% để triển khai công nghệ Nano-Bioreactor xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, nếu thành công sẽ chuyển cho Hà Nội thuê lại. Tuy nhiên, tại phiên họp tổ của HĐND TP Hà Nội chiều 3/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện thành phố đang nghiên cứu lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, bằng cách thu gom, xử lý nước ngầm trước khi đổ vào sông.

Theo Đời sống
back to top