4 lưu ý với thí sinh
Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung, Tổ trưởng Tổ Văn – GDCD, Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ chia sẻ, có 4 lưu ý với các phụ huynh, thí sinh để tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Lưu ý thứ nhất, là về ăn uống. Trước và trong thời gian thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh nên ăn những thức ăn quen thuộc hằng ngày. Gia đình không nên tẩm bổ cho thí sinh những đồ ăn lạ, đặc biệt là không nên cho thí sinh ăn những đồ thủy sản, hải sản chất lượng kém, không rõ nguồn gốc.
Có năm, cô Nhung đã gặp phải trường hợp thí sinh đau bụng quằn quại khi thi môn buổi chiều. Lý do là vì, thi hết môn buổi sáng, buổi trưa về nhà thí sinh được gia đình cho ăn đồ biển. Thí sinh đã phải liên tiếp xin đi vệ sinh khi làm bài thi. Thí sinh rất mệt mỏi do mất nước, nhân viên y tế phải hỗ trợ nước bù điện giải.
Một thói quen không tốt trong việc ăn uống mà thí sinh cần lưu ý, đó là tránh uống nhiều nước lạnh, nước đá. Những ngày thi tốt nghiệp THPT thường diễn ra vào ngày nắng, nóng, các em rất thích uống nước lạnh. Nhất là nhiều thí sinh nhà xa, sau khi thi xong ở lại buổi trưa để chiều thi tiếp, các em tự ăn uống quanh khu vực trường theo sở thích của mình. Việc uống nước lạnh nhiều khiến các em khó chịu, có thể gây đau bụng, khiến các em phải đi vệ sinh nhiều, ảnh hưởng không tốt tới việc làm bài.
Lưu ý thứ hai, là về vấn đề sức khỏe đối với các em nữ. Trong tháng cuối cùng trước kỳ thi, cường độ học tập cao, căng thẳng. Điều đó có thể gây ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của các em nữ.
Có lần vừa bước vào phòng thi, một em nữ phát hiện ra mình có kinh nguyệt. Nhưng em đã không có sự chuẩn bị, do chu kỳ của em bị lệch so với bình thường. Lúc đó, giám thị lại phải nhờ người đi mua băng vệ sinh. Vì thế, trong những ngày thi, những thí sinh nữ cần có chuẩn bị cho tình huống này.
Phụ huynh nhờ đưa giấy tờ con để quên vào phòng để con làm thủ tục thi... |
...lo lắng đứng ngoài cổng trường dõi theo. |
Lưu ý thứ ba, là về vấn đề giờ giấc. Đối với thí sinh ở cùng với bố mẹ sẽ đỡ lo hơn. Tuy nhiên, những thí sinh có bố mẹ đi làm xa, ở nhà một mình, hoặc ở với ông bà, anh chị… không có được sự quan tâm sát sao như khi ở với bố mẹ, dẫn tới trường hợp đã có thí sinh ngủ quên, muộn giờ thi.
“Thường giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng có số điện thoại của người thân các thí sinh. Có những năm, nhà trường luôn phải chuẩn bị những “đội quân” giáo viên dự phòng ở nhà để hỗ trợ khi có thí sinh đi muộn" cô Nhung chia sẻ.
Lưu ý thứ 4, cô Nhung cho biết, là về đồ dùng học tập. Để tránh quên, các em cần phải ghi trước ra giấy những đồ các em cần phải mang đi thi. Trước khi rời nhà đi thi, và sau khi thi xong, các em cần kiểm soát theo danh sách xem có quên gì không. Phụ huynh nên cùng con kiểm tra để tránh những sơ suất.
Tâm lý rất quan trọng. Trong khi đó, chỉ cần có một sai sót nhỏ, có thể ảnh hưởng tới tâm lý của các em. Cho nên, với những tình huống có thể lường được thì cần chuẩn bị chu đáo, tránh những sự cố đáng tiếc.
Không ít thí sinh, sau khi không làm được bài những môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã rơi vào tâm trạng buồn, chán nản, ảnh hưởng tới việc làm bài những môn thi tiếp theo.
“Quên” bài thi làm không tốt đã qua, tập trung cho bài thi còn lại
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoan Hùng, Phú Thọ chia sẻ, áp lực từ phía gia đình, từ chính mục tiêu đỗ vào các trường đại học của bản thân học sinh là nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng, lo lắng của thí sinh.
Sau khi được bố đưa giấy báo dự thi bỏ quên ở nhà, thí sinh chạy vội vã vào phòng làm thủ tục thi. |
Tuy nhiên, thí sinh cần phải hiểu, tâm lý rất quan trọng. Trong mọi tình huống, các em cần luôn cố gắng để giữ được sự bình tĩnh, tránh để tâm lý không tốt ảnh hưởng tới “phong độ” thi.
Khi các em làm bài thi những môn đầu tiên không tốt, cũng không nên lo lắng, hay có tâm lý bỏ cuộc, mà cần tiếp tục cố gắng bước tiếp. Bởi điểm các môn thi có thể "bù đắp" cho nhau. Hơn nữa, có thể việc tự đánh giá bài thi của các em cũng chưa hẳn chính xác.
Môn nào đã thi qua rồi thì các em cho qua, không dằn vặt, nuối tiếc, suy nghĩ về bài đã thi nữa. Vì các em không thể làm lại bài thi, trong khi đó, càng suy nghĩ các em sẽ chỉ càng thêm buồn chán, ảnh hưởng tiêu cực đến bài thi sau. Nếu có, chỉ là rút kinh nghiệm những sai sót trong cách làm bài, để làm bài thi sau tốt hơn.
Các em hãy luôn tự nhủ: mọi cơ hội vẫn ở phía trước, bản thân phải tiếp tục tiến lên để thành công, bài này không tốt thì bài thi sau ta phải làm tốt hơn để có kết quả như ý muốn.
Với phụ huynh học sinh, theo thầy Hà cần có sự động viên, chia sẻ với thí sinh. Thường các học sinh lo sợ bị bố mẹ trách móc, đánh, chửi khi kết quả thi không tốt, cho nên, nếu phụ huynh động viên, để các em có được sự yên tâm, cho dù kết quả thế nào thì các em sẽ lấy lại được bình tĩnh để thi tốt hơn ở những môn thi sau.
Nhiều năm làm công tác thi, một sự cố thầy Hà thấy các em hay gặp, đó là quên thẻ dự thi. Các em có thể quên ở nhà, hoặc sau khi thi xong, do tâm lý, các em không chú ý, bỏ quên tại phòng thi. Để tránh sự cố này, các em nên có những gạch đầu dòng danh sách những vật dụng các em phải mang theo. Và phụ huynh cần kết hợp, hỗ trợ nhắc nhở, kiểm tra để tránh sai sót cho các con.
Từng là Trưởng điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều năm, thầy Cù Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Chân, Phú Thọ cho biết, những sự cố của thí sinh thường gặp phải là quên chứng minh nhân dân, quên đồ dùng học tập, đi muộn… Đôi khi, những sự cố này cũng do nguyên nhân khách quan, như thời tiết. Những năm trước, khi trời mưa bão, đập tràn dâng nước lên, nhiều thí sinh ở vùng như Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập… đã không thể đi thi được. Trước thực tế đó, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường thực hiện các phương án phòng ngừa. Những năm gần đây, với những học sinh ở xa, các trường đều có thống kê số lượng, liên lạc, tư vấn gia đình để có phương án cho các em ở trọ gần điểm thi, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, rất cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ phía gia đình các em.