Những quy định có hiệu lực từ tháng 2 năm 2022

Dưới đây là những quy định có hiệu lực từ tháng 2 năm 2022 về lao động, thẻ nhà báo, vị trí công tác...

Từ 1/2/2022, rất nhiều quy định có hiệu lực mà người dân cần phải biết để thực hiện hay bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Giờ lao động

Từ 1/2/2022 chính thức tăng thời gian làm thêm cho người lao động làm công việc sản xuất có tính chất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng.

Theo đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ, trước đây là không quá 64 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ (trước đây không quá 32 giờ).

Như vậy, tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

gio-lao-dong.jpg
Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ (trước đây không quá 32 giờ).

Những quy định này đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ 1/2/2022.

4 trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Thông tư 21/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền dịch vụ gồm:

- Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

- Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

- Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.

- Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

xuat-khau-lao-dong.jpg
Thông tư 21/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền dịch vụ.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định tương đối chi tiết về mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đi xuất khẩu lao động tại một số thị trường lao động khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Quyết định 40/2021 của Thủ tướng Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 21/2.

- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài từ 10 - 30 triệu đồng/trường hợp.

- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh... suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác từ 7 - 20 triệu đồng/trường hợp.

lao-dong.jpg
Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau.

- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động,... từ 7 - 20 triệu đồng/trường hợp.

- Hỗ trợ mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50 triệu đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc;

- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài 40 triệu đồng/trường hợp.

Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Nghị định 131/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/2.

Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng

Theo Nghị định 134/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Quy định có hiệu lực từ ngày 15/2.

Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác

Thông tư 43/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2.

giao-duc.jpg
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác.

Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số và được thực hiện theo lộ trình sau:

- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6;

- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10;

- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11;

- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo

Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông tư số 31/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo.

Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2, thay thế Thông tư số 49/2016.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư này là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân).

the-nha-bao.jpg

Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông tư số 31/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo.

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo vào ngày 1/1 và ngày 21/6 hằng năm. Kỳ hạn cấp thẻ nhà báo là 5 năm. Kỳ hạn của thẻ nhà báo hiện hành được tính từ ngày 1/1/2021.

Theo VietnamDaily
back to top