Những người trẻ vì môi trường

(khoahocdoisong.vn) - Tắt đèn – Bật ý tưởng, đạp xe xuyên Việt để nhặt rác, chu du khắp thế giới “săn ảnh” về rác thải... là những dự án mà người trẻ đang theo đuổi để gửi tới mọi người thông điệp trước khi quá muộn, giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bắt đầu từ hành động nhỏ

Đỗ Việt Anh là người đứng sau dự án “Tắt đèn - Bật ý tưởng” cùng hàng loạt hoạt động môi trường khác. Anh có nhiều quan điểm khác biệt về môi trường, không phải cứ yêu môi trường là phải làm quá nhiều thứ hoành tráng.  Mọi việc lớn đều bắt đầu từ hành động nhỏ. Mọi hành động nhỏ nhưng nhiều người làm đều có tác dụng lớn lao. 

Theo Đỗ Việt Anh, những hoạt động rất ý nghĩa này có thể thay đổi dần dần nhận thức và hành vi của mọi người. Vì vậy, dù anh ở vị trí trưởng ban tổ chức "Tắt đèn - Bật ý tưởng" 10 năm, hay 15 năm sau nữa, thì cá nhân anh vẫn tiếp tục chiến dịch này, vì đó là giá trị bền vững và cốt lõi để giữ gìn môi trường sống.

Anh Đỗ Việt Anh - Tác giả "Tắt đèn - Bật ý tưởng".

Anh Đỗ Việt Anh - Tác giả "Tắt đèn - Bật ý tưởng".

Chiến dịch khuyến khích mỗi cá nhân bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất như: Hạn chế sử dụng đồ nhựa 1 lần, tắt các thiết bị khi không sử dụng, trồng cây xanh... và hướng tới mục tiêu dài hạn là xây dựng nền tảng xanh bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng nhau hành động, đem lại sự thay đổi tích cực cho môi trường", Đỗ Việt Anh chia sẻ.

Đạp xe xuyên Việt để nhặt rác

Cô gái trẻ Bùi Thị Thủy quê Nam Định, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, đồng sáng lập nhóm “Green & Book Ambassadors” vào năm 2012 để truyền cảm hứng cho mọi người về hai câu chuyện: rác, sách và giúp đỡ người khuyết tật cùng trẻ em nghèo.

Thủy cho biết, nhóm của mình đến nay đã có hàng trăm thành viên chủ chốt và hàng ngàn cộng tác viên. Họ hoạt động trên tất cả các vùng miền và khắp nơi  trên thế giới nếu có cơ hội đi công tác, du lịch, làm việc hay trải nghiệm.

Chính Thủy đã có hành trình đáng nhớ là chuyến đạp xe xuyên Việt một mình, từ Hà Nội tới Cà Mau, dừng chân ở 24 tỉnh thành chỉ để nhặt rác và kêu gọi mọi người cùng nhặt rác, làm cho môi trường thêm xanh.

Cô gái Bùi Thị Thủy đạp xe xuyên Việt để nhặt rác và kêu gọi cộng đồng cùng làm sạch môi trường.

Cô gái Bùi Thị Thủy đạp xe xuyên Việt để nhặt rác và kêu gọi cộng đồng cùng làm sạch môi trường.

Nhóm của Thủy luôn quan niệm: Trái đất xanh, biển cả vô tận… là điều kỳ diệu của cuộc sống, chính nó góp phần hình thành và nuôi dưỡng con người. Thiên nhiên gắn với mọi lĩnh vực không chỉ sự sống, sức khoẻ, mà còn là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, tư duy.

Mỗi lần đạp xe nhặt rác là mỗi lần Thủy truyền cảm hứng lẫn thông điệp môi trường sạch cho mọi người. Nhờ đó, không chỉ ở quê hương của Thủy mà những nơi Thủy đi qua, từ rác thải sinh hoạt, rác thải cứng… đều được Thủy lập kế hoạch cùng bạn bè trong nhóm và người dân địa phương dọn dẹp. Thủy cho rằng, kế hoạch phải có người địa phương tham gia - một mũi tên trúng hai đích: Vừa giúp làm sạch môi trường, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.

“Săn” ảnh rác, gửi thông điệp

“Kể từ hôm nay hãy hạn chế rác thải nhựa” là lời kêu gọi lan tỏa gần đây được nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng) gửi gắm tới mọi người, nhất là các bạn trẻ. Nhiều người được thấy một thực trạng trần trụi, đau đớn và rùng mình về rác thải biển ở Việt Nam thông qua bộ ảnh đầy ám ảnh của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng. Được biết, 3.000 bức ảnh dọc hành trình dài 6.879km bờ biển “săn rác” là một dự án nằm trong kế hoạch của Save Our Seas (SOS) - một nhóm tập hợp hơn 1000 thành viên do anh Hùng sáng lập.

Anh Lekima Hùng cho rằng: Không ai vô can trước nạn rác thải.

Anh Lekima Hùng cho rằng: Không ai vô can trước nạn rác thải.

SOS là tên dự án chụp ảnh rác thải nhựa, nhằm mục đích kêu gọi học viên nhiếp ảnh và trẻ em cùng tham gia. Dự án “Cho trẻ về thiên nhiên” thuộc SOS, là một trong những chương trình dạy cho trẻ em các vấn đề môi trường và nhận thức về việc bảo vệ môi trường từ rất sớm. 

“Mỗi người trong chúng ta đều không vô can khi đứng trước rác thải. Có dọn rác các bạn mới thấy việc vứt rác quá dễ dàng so với việc thu dọn. Lớp lớp túi nilon, rác con người thải ra đại dương thì đại dương trả lại cho chúng ta những thứ còn khủng khiếp hơn”, anh Hùng tâm sự.

Kinh nghiệm của anh Hùng cho thấy, vì lợi ích trước mắt và sự lười biếng thiếu lòng trắc ẩn, con người đã hủy hoại những gì làm cho cuộc sống này đáng sống. Khi chỉ có trách nhiệm với những gì gắn với lợi ích của mình, thì những gì thuộc về tài sản chung sớm muộn cũng sẽ thành nạn nhân của sự ích kỷ. Để thay đổi nhận thức của mọi người, chúng ta cần những người sẵn sàng hy sinh hơn nữa để truyền cảm hứng. 

Anh Lekima Hùng đã chụp 3.000 bức ảnh dọc hành trình dài 6.879km bờ biển.

Anh Lekima Hùng đã chụp 3.000 bức ảnh dọc hành trình dài 6.879km bờ biển.

“Chúng ta cố gắng làm sạch biển mỗi ngày, nhưng có thể chỉ là giọt nước giữa đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít đi nếu thiếu những giọt nước ấy. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả”, anh Hùng cho biết.

Với những người hoạt động môi trường như Lekima Hùng, đó là một tín hiệu đáng mừng sau bao nỗ lực và tâm huyết. Đặc biệt, trong chuyến đi chụp ảnh rác xuyên Việt,  anh Hùng có ghé qua nhà máy rác hiện đại bậc nhất ở Việt Nam tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Tại đây anh đã được thấy rác không phải là rác, mà là tài nguyên. 

“Tất cả rác chúng ta thải ra đều xử lý được, các túi nilon cũng thành hạt nhựa. Rác cũng biến thành phân, thành cả điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Tôi hy vọng, thông qua những bức ảnh về rác thải sẽ “đánh động” tới ý thức và lòng trắc ẩn của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ bởi tuổi trẻ chính là tương lai”, nhiếp ảnh gia “săn rác”, Lekima Hùng.

Theo Đời sống
back to top