Trong số những trí thức yêu nước theo Bác Hồ trở về phụng sự tổ quốc có kỹ sư trẻ Phạm Quang Lễ, người không hề luyến tiếc khoản lương tháng 22 lạng vàng, bỏ lại sau lưng một cuộc sống sung túc tại thành Paris hoa lệ, sẵn sàng chấp nhận bao khó khăn gian khổ đón đợi phía trước để đi theo tiếng gọi của trái tim.
Tháng 9/1946, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa phía Pháp và phái đoàn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Sự đổ vỡ trên bàn thương lượng báo trước một cuộc đối đầu không khoan nhượng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh xuống tàu về nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ thần thánh. Trong số những trí thức yêu nước theo Bác Hồ trở về phụng sự tổ quốc có kỹ sư trẻ Phạm Quang Lễ, người không hề luyến tiếc khoản lương tháng 22 lạng vàng, bỏ lại sau lưng một cuộc sống sung túc tại thành Paris hoa lệ, sẵn sàng chấp nhận bao khó khăn gian khổ đón đợi phía trước để đi theo tiếng gọi của trái tim. Ông chính là GS.VS.Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa sau này (Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), một nhà khoa học chân chính, một nhân cách lớn mà cuộc đời và sự nghiệp của ông khiến người ta phải kính trọng.
Hơn 75 năm qua, kể từ khi đất nước giành lại được độc lập đến nay, đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ cậu học trò nghèo...
Cậu bé Phạm Quang Lễ có một tuổi thơ không yên tĩnh. Cái gia đình nhỏ bé của ông giáo Phạm Văn Mùi ở Tam Bình, Xuân Hiệp, Vĩnh Long rất điển hình cho một gia đình trí thức nghèo người Việt sống trong một xã hội bị cưỡng bức theo văn minh phương Tây nhưng vẫn còn thật nhiều duyên nợ với ảnh hưởng Nho giáo. Ông Mùi nguyên là một nhà Nho theo Tây học trở thành một ông giáo nên vẫn giữ cốt cách của những người nương vào “cửa Khổng sân Trình” nghĩa là sống nhân nghĩa, thanh bạch và luôn đề cao việc học. Người vợ tính tình dịu dàng, hiền thục đảm đương vai trò nội tướng trong nhà, việc cơm áo gạo tiền chăm lo cho chồng và hai đứa con đều một tay bà quán xuyến. Cuộc sống êm ả của họ cứ bình lặng trôi đi cho đến khi ông giáo Mùi đột ngột ngã bệnh. Những đồ đạc có giá trị trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” để lấy tiền thuốc thang cho ông giáo nhưng do bệnh tình quá nặng nên ông đã không qua khỏi. Cậu bé Lễ mới bảy tuổi đã mồ côi cha. Ông giáo Mùi qua đời cũng đồng nghĩa với việc mất đi trụ cột trong gia đình, đây là một biến cố lớn gây xáo trộn toàn bộ cuộc sống của họ và những ngày khó khăn mới chỉ bắt đầu.
Người ta thường nói đằng sau sự thành công của người đàn ông vẫn thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ, điều này có lẽ Phạm Quang Lễ thấm thía hơn ai hết. Vào thời niên thiếu của Lễ, đó chính là mẹ và chị gái cậu. Sau khi ông giáo Mùi mất, gia đình lập tức lâm vào cảnh nợ nần túng quẫn. May nhờ có sự giúp đỡ của các đồng nghiệp của ông ở trường Vĩnh Long và bà con chòm xóm mà mấy mẹ con trả được hết nợ nhưng người ta không thể cứ sống dựa vào người khác suốt đời được. Tuy nhiên, cho dù có thế nào, người mẹ của hai đứa con nhỏ dại cũng thực hiện bằng được di nguyện của chồng là cho cậu út được học tiếp bởi cậu sớm bộc lộ tư chất thông minh hơn người, biết đâu sau này sẽ có chí giúp đời. Để Lễ lại được đến trường, bà đã đem con gửi ông Năm, một nhà giáo tốt bụng thương người. Về phần mình, hai mẹ con dọn về quê làm ruộng, sống cuộc sống lam lũ cực nhọc trước đó họ chưa hề biết tới. Cậu học trò nhỏ Phạm Quang Lễ vừa phải chịu nỗi đau mất cha chưa được bao lâu đã lại đành gạt nước mắt chia tay mẹ và chị. Nhưng cậu không ở lại thị xã Vĩnh Long một mình, cậu ở đó cùng với ước vọng cháy bỏng của người cha quá cố, sự hy sinh và nỗi trông đợi của những người thân yêu nhất.
Dường như sự mất mát và chia ly quá sớm đã khiến cậu bé Lễ trở nên già trước tuổi, cậu hay trầm tư và chỉ dồn sức vào sách vở. Lễ học rất giỏi, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên. Tuy thế, Phạm Quang Lễ vẫn chỉ là một đứa trẻ luôn khao khát tình cảm. Một hôm không thể kìm nổi, cậu lén rời khỏi nhà ông giáo Năm rồi chân đất, đầu trần cứ thế băng đồng hơn hai chục cây số về làng, nơi ấy có căn nhà nhỏ tuềnh toàng bốn bề gió quất. Mẹ và chị đều gầy xọp và đen đúa vì công việc đồng áng vất vả. Ba mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Lễ ngủ ở nhà một đêm, sáng hôm sau cậu lại tất tả quay về thị xã.
Sau khi giành chứng chỉ tốt nghiệp hạng ưu bậc tiểu học, Phạm Quang Lễ thi đậu Trường Trung học Mỹ Tho với điểm số xuất sắc, nhờ vậy mà Lễ được ở nội trú và được cấp học bổng và thêm một số ưu tiên khác. Đây quả là một tin vui lớn cho Lễ và gia đình.
Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký năm 1930, nơi Phạm Quang Lễ đã từng học. |
... luôn ấp ủ một hoài bão lớn
Hoàn thành chương trình trung học đệ nhất cấp (tương đương cấp hai ngày nay), Phạm Quang Lễ lại khăn gói lên Sài Gòn thi vào trường trung học đệ nhị cấp Petrus Ký (tương đương cấp ba, nay là trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM). Không phụ lòng mong mỏi của mẹ và chị gái, Lễ lại đỗ hạng ưu và giành được học bổng suốt những năm học ở trường trung học Petrus Ký. Năm 1933, cậu học sinh trung học Phạm Quang Lễ đánh dấu tuổi hai mươi của mình bằng việc đỗ đầu trong cả hai kỳ thi, đoạt luôn cả bằng tú tài Tây và bằng tú tài bản xứ. Cánh cửa trường đại học đã mở rộng trước mặt anh. Lúc bấy giờ toàn xứ Đông Dương mới chỉ có một vài trường cao đẳng và đại học tập trung ở Hà Nội như Đại học Y, Đại học Luật, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương... Với khả năng của mình, Phạm Quang Lễ hoàn toàn đủ sức thi vào trường Y hoặc trường Luật. Đây là những nơi danh giá, những người tốt nghiệp các trường này thường trở thành công chức làm việc cho chính quyền thuộc địa, có địa vị trong xã hội và một cuộc sống khá giả. Trái với dự đoán của nhiều người, Phạm Quang Lễ không ra Hà Nội học đại học mà trở về Vĩnh Long với mẹ và chị gái.
GS.VS Trần Đại Nghĩa -“ông vua” vũ khí Việt Nam. |
Ít lâu sau, Lễ nhận một chân giúp việc cho viên thư ký kế toán tại Tòa sứ Mỹ Tho. Không thể nói mức lương ba mươi đồng là dư dật song cũng đủ để anh thuê một căn nhà nhỏ gần chỗ làm việc rồi đón cả gia đình lên sống cùng. Dưới sự thu vén của hai người phụ nữ đã quen nếp sống giản dị, tằn tiện, sự êm đềm đã trở về nếp nhà của họ. Phải chăng Phạm Quang Lễ đã mãn nguyện với cuộc sống hiện tại? Hoàn toàn không phải vậy, thực ra anh đang ấp ủ một hoài bão lớn. Lễ không chỉ giỏi các môn khoa học tự nhiên mà còn say mê triết học và lịch sử. Anh nghiên cứu sâu và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nhanh chóng của vương triều nhà Nguyễn trước sự xâm lược của thực dân Pháp và tự rút ra những kết luận riêng. Ngoài sự lạc hậu về chính trị, kinh tế của một xã hội trì trệ bảo thủ còn có một nguyên do trực tiếp khiến cho sự sụp đổ chóng đến hồi kết. Đó chính là yếu kém về khoa học quân sự và vũ khí. Chỉ một nhúm quân viễn chinh được trang bị đại bác và những khẩu súng trường đã lần lượt hạ hết thành này đến thành khác rồi nuốt chửng cả một quốc gia và sau đó dễ dàng dập tắt các cuộc khởi nghĩa yêu nước mà không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào từ phía những đạo binh thừa lòng dũng cảm nhưng chỉ có cung tên, giáo mác. Máu của bao chiến sĩ anh dũng đã đổ nhưng mảnh đất ngàn đời cha ông để lại vẫn rơi vào tay kẻ ngoại bang. Hiện thực đau xót ấy khiến Phạm Quang Lễ suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Một trong những điều kiện quan trọng để đánh đuổi quân cướp nước, giành lại độc lập là phải có vũ khí tốt, phải học được kỹ thuật chế tạo vũ khí tiên tiến của phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, việc đó gần như không tưởng. Lễ ngấm ngầm nuôi dưỡng ý tưởng nọ và trong Lễ đã dần hình thành một kế hoạch.
(còn nữa)