Tối 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng đã sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tuy nhiên, trong các buổi livestream do bà Phương Hằng tổ chức còn có sự tham gia của nhiều khách mời. Vậy, những người này có bị xử tội liên đới hay không?
Theo các luật sư, nếu cơ quan điều tra phát hiện những người cùng tham gia với bà Hằng trong các buổi livestream có sự bàn bạc, thống nhất giữa bà Hằng và những người này về việc dùng các lời lẽ khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật, thì có thể xử lý hình sự về "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự với vai trò đồng phạm.
Những người thuộc đối tượng trên có thể là khách mời, đội ngũ tư vấn, hỗ trợ để tham gia cùng trên mạng xã hội.
Với hành vi này, mức phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 7 năm tù.
Ngoài ra, những người tham gia bình luận trong các buổi livestream hoặc sử dụng các thông tin của bà Hằng đưa ra không đúng sự thật để làm nhục, vu khống người khác cũng sẽ là những hành vi vi phạm Luật an ninh mạng.
Như vậy, cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra để xem xét vai trò của những người tham gia trong livestream của bà Phương Hằng ở từng hành vi cụ thể để xử lý vụ án toàn diện, triệt để.