Họ rên rẩm vì nhiều ngôi nhà được xây thay cho những ngôi nhà sàn bằng gỗ phá vỡ hết cả cảnh quan. Họ mong được thấy người dân miền núi cứ sống như hàng trăm năm trước đây…
Nét đẹp Sapa
Mong ước của họ thật là ích kỷ. Chỉ riêng sự có mặt của khách du lịch đến đây đã là một đổi thay, chưa nói đến những vận động của cuộc sống, vậy tại sao lại cứ muốn mọi thứ không thay đổi, muốn cuộc sống ngưng đọng lại.
Tại sao cuộc sống của chính họ ở thành phố liên tục thay đổi, tại sao con cái họ học tiếng Anh, nghe nhạc Mỹ, hát nhạc Hàn, mà họ lại bực mình khi thấy trẻ con ở Sa Pa không hát tiếng dân tộc. Cuộc sống của họ tốt lên, hiện đại hơn, phát triển hơn, tiện nghi hơn, trong khi họ lại mong người miền núi cứ dậm chân tại chỗ mãi, cứ là người rừng mãi hay sao?
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc bảo tồn những giá trị truyền thống, từ các loại hình âm nhạc, các làng nghề, các khu nhà cổ và cả sinh hoạt truyền thống… nhưng dường như lại chưa cân bằng được giữa bảo tồn, tồn tại và phát triển.
Đơn cử như chuyện bảo tồn khu phố cổ ở Hà Nội là một ví dụ. Không được phá, không được xây, những căn nhà cũ xuống cấp, không đủ điều kiện sinh hoạt, nhiều người chui rúc trong căn phòng mười mấy mét vuông, thiếu điện, nước, thiếu cả ánh sáng mặt trời.
Tôi rất thích câu nói: Cái gì hợp lý thì tồn tại. Có những điều cần phải thay đổi vì nó phù hợp với cuộc sống hiện tại, những gì không còn phù hợp sẽ bị đào thải. Trẻ con miền núi phải nói tiếng Anh để bán hàng cho người nước ngoài, nhà gạch thì bền và vững chắc hơn nhà gỗ…
Cuộc sống là thế! Ngay cả đến vải thổ cẩm giờ nhiều nơi cũng dệt máy vì vừa nhanh, giá lại rẻ hơn dệt thủ công, cả năm mới được một tấm vải, một cái chăn… Vì vậy, phải học cách chấp nhận và yêu những cái ta hiện có, đừng quá ảo tưởng về những vẻ đẹp của quá khứ.
Minh Anh