<div> <div style="text-align: center;"><img alt="Nên hạn chế ăn lẩu vỉa hè vì khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm." src="https://khds.1cdn.vn/2018/11/13/dong-lau-copy-15420704150221810227393(1).jpg" /></div> <div> <p style="text-align: center;"><em>Nên hạn chế ăn lẩu vỉa hè vì khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.</em></p> </div> </div> <p><strong>Lẩu</strong></p> <p>Là món ăn phổ biến vào mùa đông, tuy nhiên nhiều người khi ăn lẩu không chú ý giữ vệ sinh, có thói quen ngậm đũa, thìa trong miệng rồi lại gắp thức ăn từ nồi lẩu. Khi làm như thế, thì vô tình vi trùng trong nước bọt của người ăn theo vào nồi lẩu gây bệnh cho người khác.</p> <p>Vì vậy khi ăn lẩu mọi người cần dùng đũa thìa chung để gắp thực phẩm, rau từ nồi lẩu vào bát, rồi mới dùng đũa, thìa riêng để ăn, vừa không tốn kém, vừa đảm bảo vệ sinh.</p> <p>Ăn lẩu thường dùng đồ sống, tái. Nếu nhúng kỹ quá sẽ mất đi vị tươi ngon, nhưng nhúng tái sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vì các vi sinh vật gây hại vẫn tồn tại. Vì vậy, độ nhúng của thịt khoảng 10 phút. Hải sản nhúng 15 phút. Nội tạng 5 phút. Rau 1 - 2 phút (tùy loại).</p> <p>Hạn chế ăn lẩu vỉa hè vì dễ ăn phải thực phẩm kém chất lượng, không nguồn gốc, bảo quản không đúng cách, rau dễ còn tồn dư thuốc trừ sâu, hóa chất... sẽ ảnh hưởng tới tiêu hóa, nguy hiểm hơn là ngộ độc.</p> <p><strong>Nem chua rán</strong></p> <p>Ngon miệng, giá rẻ nhưng không bổ, gây đầy bụng, khó tiêu, nguy hiểm cho người béo phì và bị bệnh tim mạch, và rắc rối cho hệ tiêu hóa vì dễ ăn phải loại nem quá hạn, rán lại nhiều lần không có lợi cho sức khỏe.</p> <p><strong>Ốc luộc</strong></p> <p>Món khoái khẩu trong thời tiết se lạnh, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì ốc mang nhiều tạp chất, cặn bẩn, các loại ký sinh trùng nhưng việc ngâm ốc gần như bị bỏ qua, hoặc dùng ốc để quá lâu, ốc chết, chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh… khiến người ăn ốc có nguy cơ mắc bệnh tả, tiêu chảy, ngộ độc...</p> <p>Ốc còn có tính hàn, nên ăn trời lạnh rất dễ bị đau bụng.</p> <p><strong>Sò huyết nướng</strong></p> <p>Rất ngon ngày lạnh, nhưng dễ nhiễm virus và vi khuẩn gây bệnh cho người ăn. Các thực phẩm có tính hàn khác như nghêu, sò, lươn, tôm cua… ngày lạnh hạn chế ăn để tránh rối loạn tiêu hóa, đau bụng, cơ thể giữ nhiệt kém hơn, cơ thể bị suy nhược, thiếu năng lượng và suy giảm sức đề kháng. Phụ nữ có thai không ăn vì dễ bị dọa sẩy thai do quá lạnh.</p> <p><strong>Trứng gà, các thực phẩm giàu Omega 6</strong></p> <p>Trời lạnh giá không nên dùng các loại thực phẩm chứa nhiều Omega 6 (trứng gà, dầu bắp, dầu mè, dầu thực vật…) vì làm tăng nguy cơ bị viêm khớp, hen suyễn. Thực phẩm chứa omega 6 ăn nhiều vào ngày lạnh còn có thể rối loạn tuần hoàn máu, tăng nguy cơ đông máu.</p> <p><strong>Kem, nước đá, đồ đông lạnh</strong></p> <p>Nên tránh dùng khi vào đông, vì làm thân nhiệt bị giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, cảm lạnh, cảm cúm.</p> <p><strong>Bánh rán</strong></p> <p>Gồm các loại bánh chuối, gối, khoai, quẩy… vàng rộm hấp dẫn, nóng hổi, rất khoái khẩu. Nhưng do rán bằng mỡ, dầu ăn kém chất lượng, mùi khét... nên chứa nhiều tạp chất, ảnh hướng lớn đến sức khỏe. Nhẹ có thể gây rối loạn nội tiết, nặng là các bệnh về tim mạch, ung thư...</p> <p><strong>Các loại rau tránh ăn vào mùa đông</strong></p> <p>Cải thảo: Rất ngon vào mùa đông, nhưng có nhiều chất nitrat và khi bị giập nát, thối hàm lượng nitrat sẽ tăng lên gấp nhiều lần, trở thành thực phẩm độc hại, khiến người ăn bị chóng mặt, đau đầu, nôn, khó thở nặng, huyết áp bất ổn.</p> <p>Vì vậy cần ăn cải thảo tươi, không giập, nát và cần phải bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh.</p> <p>Mộc nhĩ: Tính hàn, bổ âm nên ăn nhiều dễ bị đi ngoài phân lỏng, nhất là người hay bị đầy bụng, nhiễm hàn… Mùa đông không nên ăn mộc nhĩ tươi, vì có thể làm cho da bị ngứa, phù nề, hoại tử da. Chưa kể việc chế biến mộc nhĩ sai cách sẽ sinh ra độc tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe.</p> <p>Mộc nhĩ khô không còn gì nguy hại, nhưng chế biến cần đúng cách, nấu hoặc xào chín kỹ rồi mới ăn. Tuyệt đối không ăn mộc nhĩ khi chín tới. Mộc nhĩ cũng là một loại nấm, khi ăn cẩn trọng để tránh bị dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có hệ tiêu hóa kém…</p> <p>Sữa đậu nành sống: Có chất trypsin, dễ gây độc. Do đó cần nấu sữa đậu nành sôi 5-10 phút liên tục trước khi uống mới đảm bảo an toàn.</p> <p>Khế chín: Vào đông khế chín ngon mắt, nhưng mùa đông khế có thể gây ngộ độc với một số người, vì trong quả khế có chứa một chất độc có thể gây ảnh hưởng tới não, hệ thần kinh, không tốt cho người mắc bệnh thận.</p> <p>Dâu tây: Là quả thơm ngon, nhưng mùa đông ăn vị nhạt, chua, ít dinh dưỡng hơn nhiều so với mùa hè. Chưa kể khi vận chuyển còn làm giảm lượng chất dinh dưỡng và vitamin C quý giá.</p> <p>Dưa hấu: Tính ôn bình, ăn nhiều dưa hấu sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng, suy nhược. Nước dưa hấu chiếm phần lớn thể tích dạ dày và ruột, gây rối loạn tiêu hóa, đầy bụng.</p> <p>Quả đào: Không nên ăn vào mùa đông, nhất là đào đóng hộp vì trái mùa, dễ bị tẩm ướp chất bảo quản giúp quả tươi lâu vì thế không tốt cho sức khỏe (hãy thay thế bằng quả táo rất giàu dinh dưỡng mùa đông).</p> <p>Hạt dẻ nướng: Là đồ ăn vặt yêu thích trong mùa đông, nhưng hạt dẻ cũng dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa nếu ăn phải khi bị mốc, kém chất lượng.</p> <p><strong>Hạt điều tươi</strong></p> <p>Hạt điều rang chín, sấy khô hoặc tẩm gia vị ngon miệng, giàu dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn hạt điều tươi chưa qua chế biến có thể gây ngộ độc vì trong hạt điều có chất urishol.</p> <div> <p><strong>Lưu ý: Mùa đông lạnh giá, nên tránh các đồ hàn, lạnh</strong></p> <p>- Không ăn nước đá, đồ lạnh.</p> <p>- Không ăn nhiều đu đủ vào mùa đông. Chỉ người bị táo bón, nóng trong hãy ăn.</p> <p>- Không ăn xoài, chuối chín quá nhất là trẻ em vì dễ bị đi tướt.</p> <p>- Không nên uống trà lạnh (trà đá). Người già nên cho 1-2 lát gừng vào ấm bụng.</p> <p>- Quế ấm người, nhưng không ngậm quế nhiều vì có thể gây lở miệng.</p> <p>- Người tim mạch, huyết không nên dùng đồ kích thích quá vì huyết áp tăng.</p> <p>- Người chân hay bị phù thì hạn chế ăn rau cải trắng, su hào vì ảnh hưởng đến tuyến giáp trạng.</p> </div> <p style="text-align: right;">Lương y <strong>Phạm Anh Đào</strong></p> <p style="text-align: right;">(nguyên bác sĩ Viện Y học cổ truyền Quân đội)</p>