Để đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, khi ăn hải sản nên chú ý những nguyên tắc dưới đây:
Không uống trà xanh khi ăn hải sản
Polyphenol và catechin là các chất chống oxy hóa có nhiều trong trà xanh. Các chất này có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thụ protein và gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa đường ruột. Hậu quả của tác động này là làm cho cơ thể bạn bị nôn nao, bồn chồn, đau bụng, nôn mửa và dễ hình thành sỏi.
Vì trong hải sản có chứa nhiều protein, vậy nên để tránh các triệu chứng khó chịu trên, bạn nên tránh uống trà khi ăn hải sản. Chỉ nên uống trà sau khi đã hoàn thành bữa ăn với hải sản 1 giờ đồng hồ để tránh cảm giác khó chịu ở dạ dày.
Không ăn nhiều hải sản cùng với bia
Các bữa ăn kết hợp hải sản và bia là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh gout do cả hai loại thực phẩm đều chứa nhiều purin. Việc hấp thụ quá mức purin khiến thận quá tải, không đào thải hết sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa purin, từ đó làm tăng axit uric. Theo Hiệp hội Viêm khớp Mỹ, nồng độ axit uric quá cao gây ra bệnh gout (còn gọi là gút hay thống phong).
Đây là một dạng viêm khớp khiến người bệnh thường phải chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối kèm theo sưng đỏ. Một số trường hợp nặng thậm chí không đi lại được.
Không ăn hải sản chế biến để lâu ngày, để qua đêm
Khi bảo quản hải sản ở nhiệt độ phòng thì chúng sẽ nhanh chóng bị vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và chuyển hóa protein có trong hải sản thành chất độc. Chẳng hạn như histidine trong thịt cá ngừ hoặc cá thu để lâu ngày sẽ bị vi khuẩn biến thành histamine, khiến bạn khó thở, tức ngực, đau đầu, bốc hỏa,... nếu ăn phải.
Vì vậy, cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến hải sản và tuân thủ nhiệt độ tiêu chuẩn khi bảo quản hải sản đông lạnh. Tuyệt đối không mua hải sản đông lạnh đã hết hạn sử dụng.
Không ăn hải sản sống
Nhiều người thích ăn hải sản sống nhưng không phải cửa hàng nào cũng đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là động vật thân mềm như ngao, hàu và sò điệp có thể gây nguy hiểm. Những loại hải sản này có nguy cơ chứa vi khuẩn xâm nhập từ nguồn thức ăn vô hại với chúng nhưng khiến người ăn đồ chưa nấu chín bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, môi trường sống là khu vực bị ô nhiễm cũng khiến hải sản tích tụ chất độc hại.
Một loại vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong hải sản chưa nấu chín là Vibrio parahaemolyticus gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn sẽ tiếp tục nhân lên ngay cả khi hải sản được làm lạnh. Cách duy nhất để tiêu diệt Vibrio parahaemolyticus là nấu chín thực phẩm. Nếu bạn cho rằng mình bị ngộ độc sau khi ăn động vật có vỏ, hãy liên hệ với bác sĩ.
Không ăn hải sản kèm trái cây chứa nhiều vitamin C
Các loại trái cây như cam, chanh, kiwi, cà chua... bổ sung nước và nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, các quả này có chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường đề kháng và ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh tấn công người dùng. Tuy nhiên, không nên ăn kèm nhóm trái cây giàu vitamin C này với hải sản.
Lý do là vì trong hải sản có chứa arsenic pentavenlent, khi chất này gặp vitamin C trong trái cây sẽ tạo thành arsenic trioxide (thạch tín). Nếu lượng thạch tín này vào trong cơ thể sẽ khiến bạn bị ngộ độc, nôn ói và đau bụng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Không ăn hải sản cùng với thực phẩm có tính hàn cao
Hải sản vốn dĩ đã có sẵn tính hàn, do đó khi ăn tốt nhất nên tránh ăn kèm với những thực phẩm mang tính hàn khác (như: rau muống, dưa chuột, dưa hấu, lê, những đồ uống có gas, nước lạnh…) dễ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng, khó tiêu.