Sự khác biệt cơ bản nằm ở chỗ nghệ là thứ bột màu vàng dùng làm gia vị cho các món ăn trong khi tinh nghệ (curcumin) lại là hợp chất hóa học tự nhiên có trong nghệ.
Nghệ và tinh nghệ có gì khác nhau?
Trong các nền văn minh cổ đại Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung, nghệ và curcumin từ lâu đã được dùng làm thảo dược. Ngoài ra, nền y học hiện đại của phương Tây cũng đã bắt đầu nghiên cứu tiềm năng của nghệ trong việc chữa trị các chứng bệnh như ung thư và tiểu đường.
Chức năng
Curcumin là thành phần chính của curcuminoit – một hợp chất polyphenol có trong củ nghệ thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) và là chất tạo màu vàng đặc trưng cho củ nghệ.
Theo các báo cáo khoa học năm 2007 trong tạp chí y học Advances in Experimental Medicine and Biology của nhà xuất bản Springer Nature, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy curcumin có khả năng chống viêm và chống u bướu mạnh mẽ.
Ngoài ra, curcumin còn giúp điều hòa các chất truyền tín hiệu hóa học gây viêm trong cơ thể. Điều này cho thấy curcumin có thể giúp ích một phần nào đó trong việc điều trị chứng rối loạn miễn dịch chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
Ích lợi cho sức khỏe
Các nhà nghiên cứu mới bắt đầu chú trọng tìm hiểu lợi ích về sức khỏe mà curcumin và nghệ mang lại. Cũng theo báo cáo trong tờ tạp chí y học Advances in Experimental Medicine and Biology, một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy curcumin đem lại hiệu quả tốt trong việc chữa trị các chứng rối loạn miễn dịch bao gồm tiểu đường tuýp I, viêm ruột, bệnh vảy nến và viêm khớp dạng thấp.
Curcumin cũng thể hiện khả năng chữa trị, phòng chống ung thư và còn có thể sử dụng để chữa đau bụng. Tuy nhiên, theo Trung tâm Y tế thuộc Đại học Maryland, một số nghiên cứu lại cho kết quả ngược lại và vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn mới có thể khẳng định các kết quả này.
Tác dụng không mong muốn
Dùng một lượng nghệ nhỏ để nêm nếm vào đồ ăn thường rất hiếm khi để lại bất cứ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều nghệ hoặc tinh nghệ trong thời gian dài, ví dụ như vài gram một ngày, có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ như nôn, mửa và tiêu chảy, trầm trọng hơn là loét dạ dày. Ngoài ra, dùng nhiều nghệ có thể còn khiến cho các triệu chứng của bệnh viêm túi mật trở nên xấu đi.
Phản ứng với thuốc đặc trị
Nghệ dùng với lượng lớn có thể ức chế đông máu, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ chảy máu trầm trọng ở những bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật hoặc những người đang dùng thuốc làm loãng máu.
Nếu bạn đang dùng warfarin, aspirin, ibuprofen hay các loại thuốc tương tự có tác dụng làm giảm đông máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nghệ với lượng lớn hoặc các thực phẩm chức năng chứa curcumin.
Theo Bảo Niệm (dịch – Vtv.vn)