Nông nghiệp khó chủ động nguồn nước
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết cả nước hiện có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tuy nhiên, khoảng 63% nguồn nước mặt (tương ứng với 520 tỷ m3) đến từ nước ngoài. Tính riêng cho lưu vực sông Mê Kông, tỷ lệ này đã chiếm tới 90 %, lưu vực sông Hồng là trên 50%.
Chỉ có gần 310 tỷ m3 mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng trữ lượng tiềm năng nguồn nước dưới đất khoảng 63 tỷ m3/năm. Tổng lượng nước hiện đang được khai thác, sử dụng hàng năm của Việt Nam vào khoảng 80,6 tỷ m3 , chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có của cả nước. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm).
World Bank đánh giá, tài nguyên nước Việt Nam là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải vô tận. Số liệu của WB cho biết, nguồn nước nội sinh của Việt Nam được đánh giá là thấp trong khu vực, mức bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 4.200 m3 so với con số trung bình là 4.900 m3 ở Đông Nam Á.
Bên cạnh việc không chủ động được về tổng lượng dòng chảy mà những vấn đề khác như chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản cũng phụ thuộc rất lớn từ các nước khác. Chính vì vậy, Việt Nam không thể chủ động được trong quản lý và khai thác nguồn nước. Đây là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp, hàng năm phải giải quyết vấn đề này rất vất vả và tốn kém.
Theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, cũng như nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn nước. Tài nguyên nước ở nhiều nơi suy giảm nghiêm trọng; tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặt, nước biển dâng, triều cường, sạt, lở bờ sông, biển ngày càng trầm trọng...
Sức ép của phát triển kinh tế -xã hội, tăng dân số, đô thị hóa đã và đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, phát sinh những mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng, tài nguyên nước trên một số lưu vực sông đang đứng trước nguy cơ suy thoái, ô nhiễm. Biến đổi khí hậu cũng đã và đang tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước.
Nước sinh hoạt phân bổ không đồng đều
Tổng lượng nước mặt trung bình năm khoảng 830-840 tỷ m3 được tập trung chủ yếu trên 9 lưu vực sông lớn, bao gồm: Sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long.
Nước dưới đất được khai thác sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và khoảng gần 80% lượng nước sử dụng cho sinh hoạt nông thôn.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng hơn 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ m3. Nhưng riêng nhu cầu dùng nước dự kiến đến năm 2020 của các lĩnh vực do Bộ NN&PTNT quản lý đã lên tới khoảng 125 tỷ m3 (theo chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020).
Như vậy, so với nhu cầu sử dụng cần thiết thì số nước được cấp chủ động từ các hồ chứa chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, số còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa tự nhiên và nguồn cung từ các con sông thông qua hệ thống trạm bơm.
Nhưng tài nguyên nước phân bố không đồng đều theo mùa, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa ngắn. Các con sông thường đầy nước vào mùa mưa nhưng lại khô hạn vào mùa khô. Cạnh đó, nguồn tài nguyên nước cũng phân bố không đều theo không gian.
Theo không gian, tổng lượng mưa năm trung bình ở Việt Nam vào khoảng 700 – 5000mm, phổ biến nằm trong khoảng 1400 – 2400 mm.
Khoảng 60% lượng nước mặt của Việt Nam thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, hơn 20% thuộc Đồng bằng Sông Hồng và sông Đồng Nai, còn lại là các vùng khác. Theo thời gian, lượng nước tập trung chủ yếu vào mùa mưa, trong khi mùa khô thường kéo dài hơn (từ 6 đến 9 tháng) nhưng lượng dòng chảy tự nhiên trong mùa khô lại chỉ chiếm (20 – 30)% tổng lượng dòng chảy cả năm.
Tình trạng thiếu nước hiện nay đang hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước, thậm chí là đối với những vùng được đánh giá là dồi dào nguồn nước nhất như Đồng bằng Sông Cửu Long.