Hình minh họa.
Vũ khí là điều kiện tiên quyết
Cao Thắng (1864 – 1893), trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng, một trong hai thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896); đồng thời là người chế tạo thành công súng kíp và súng trường trang bị cho nghĩa quân đánh Pháp.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở Yên Đức, Tuần Lễ, tổng An Ấp, huyện Hương Sơn nay thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ Cao Thắng là người rất thông minh, nhanh nhẹn, đặc biệt thích học võ nghệ và binh thư, ham tập võ và săn bắn.
Tháng 10 năm Ất Dậu 1885, Cao Thắng cùng em ruột là Cao Nữu và bạn thân là Nguyễn Kiểu chiêu mộ được khoảng 60 người tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo ở Hà Tĩnh, được phong làm Quản cơ.
Đầu năm 1887, phong trào bị suy yếu, Phan Đình Phùng giao quyền tổng chỉ huy lại cho Cao Thắng để ra Bắc tìm sự hỗ trợ và liên kết lực lượng.
Ở lại Hà Tĩnh, Cao Thắng cùng các chỉ huy khác như Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Niên… đem quân đến Lê Động, Hương Sơn, tổ chức lại lực lượng, luyện quân, xây dựng hệ thống đồn lũy chống giặc.
Ông cho xây dựng một hệ thống đồn lũy tựa lưng vào dãy Thiên Nhẫn và Giăng Màn, vây kín ba mặt bắc, tây, nam, sẵn sàng ứng cứu cho nhau một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, còn có đường rút sang Lào, đường sang Nghệ An, đường vào Quảng Bình, đường xuống các vùng thuộc Hà Tĩnh. Trong khi quân Pháp tiến vào đây chỉ có một con đường độc đạo là quốc lộ 8. Chính vì thế mà căn cứ này đã đứng vững cho đến ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa (1896).
Đương đầu với quân Pháp – một đội quân được trang bị vũ khí hiện đại, Cao Thắng sớm nhận thức được rằng, muốn đánh thắng và thay đổi được thời vận của cuộc khởi nghĩa, ngoài lòng hy sinh dũng cảm, sự tích lũy về lương thực, lực lượng thì vũ khí cũng là điều kiện tiên quyết.
Tự thiết kế súng trường
Cao Thắng ngày đêm suy nghĩ cách chế súng đánh giặc. Buổi đầu dựa vào thợ rèn hai làng Trung Lương và Văn Trung (Hà Tĩnh), Cao Thắng rèn được 200 khẩu súng trường theo mẫu thiết kế của ông. Đó là loại súng nhồi thuốc ở đầu nòng, dùng kim hỏa đánh lửa đốt thuốc phóng ở đạn.
Ông đã tổ chức đội quân 400 người chia làm hai toán thay nhau bắn và nạp đạn để lúc nào cũng có tiếng nổ, khiến quân Pháp không biết là có súng nhiều hay ít.
Tuy nhiên, loại súng mà Cao Thắng thiết kế còn nhiều hạn chế, nạp đạn ở đằng nòng, bắn xong một phát lại phải nạp đạn lại, rất nhiêu khê và mất thì giờ. Từ đó, ông suy nghĩ, bằng mọi cách phải chế được một khẩu súng trường kiểu Pháp…
Bấy giờ trên trục đường từ Vinh đi Hương Sơn có nhiều đoạn phải xuyên qua núi rừng hiểm trở, hai bên lau sậy bạt ngàn, ở giữa là con đường độc đạo. Một buổi chiều, có một toán lính gồm hai viên quan Pháp và 15 lính nguỵ mang súng áp tải một hòm bạc để phát lương cho lính đóng ở đồn Phố Châu.
Tại vùng lau sậy rậm rạp này, Cao Thắng đã bố trí mấy chục tráng sĩ, tay cầm đoản đao mai phục. Khi toán lính đi vào trận địa phục kích của ta, Cao Thắng nổi pháo hiệu, quân ta nhất tề xông ra.
Bị bất ngờ, hai tên sĩ quan và 15 lính nguỵ bị tiêu diệt gọn. Ta thu được 17 khẩu súng trường, hơn 600 viên đạn và mấy ngàn đồng bạc. Có súng giặc, Cao Thắng đã tập trung những thợ rèn giỏi nghiên cứu và rèn đúc theo mẫu.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu