Theo y học cổ truyền, lá chè có vị ngọt đắng, hơi hàn, có nhiều thành phần dinh dưỡng, bổ ích cho cơ thể, nâng cao sức khỏe con người. Từ nhiều đời nay uống trà hằng ngày là nét văn hóa quan trọng không thể thiếu. Tác dụng của việc uống trà:
Uống trà làm tăng cường khả năng suy nghĩ, hưng phấn tinh thần, phát triển tư duy, nâng cao hiệu suất công tác.
Kích thích tiêu hóa chất mỡ, giúp cho hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, giải quyết được bệnh đi ngoài ra nước do rối loạn tiêu hóa.
Giúp cho hệ tiết niệu làm việc đều đặn, thải độc nhờ lợi tiểu, hỗ trợ chứng nôn mửa, đau bụng dưới do co thắt đại tràng, cân bằng dịch giữa muối và nước, chống phù nề do tim gây ra.
Trà giúp cho chống nhiễm trùng, làm tiêu viêm diệt vi khuẩn, tiêu độc, giảm sưng nề.
Trà chống được chứng say nắng say nóng, làm cho cơ thể khỏi khát.
Bổ sung dinh dưỡng, thể chất được tăng cường, cơ thể thoải mái, cân bằng âm dương trong cơ thể.
Mặc dù uống trà có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng nếu không chú ý đến cách uống cũng gây ra những điều có hại nhất định, cho nên khi uống trà cũng cần chú ý:
- Kiêng uống trà lúc đói, vì sẽ làm cho dạ dày bị kích thích vì dịch vị tiết ra lại gặp phải chất tanin trong chè, rất khó chịu, bụng sôi ùng ục, có thể đau quặn từng cơn.
- Không uống trà buổi tối gây mất ngủ nhất là người bị thần kinh suy nhược, người bị cơ năng tuyến giáp trạng lên cao.
- Người bị táo bón, nóng trong, háo nhiệt, môi khô lưỡi đỏ, không nên uống trà.
- Phụ nữ thời kỳ cho con bú uống trà sẽ làm cho ít sữa đi.
- Kiêng uống trà qua đêm. Chất tanin trong trà hòa tan quá lâu sẽ làm cho niêm mạc dạ dày bị kích thích ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất protein và vitamin B1, chất sắt gây thiếu máu và suy nhược cơ thể.
BS Đức Quang (Bệnh viện Châm cứu TƯ)