<div> <p>Như VietNamNet đã đưa tin, vào <span>chiều tối nay 26/5 sẽ diễn ra nguyệt thực tại Việt Nam</span>. Đáng chú ý là lần nguyệt thực này diễn ra cùng lúc với siêu trăng, thời điểm Mặt Trăng ở vị trí gần Trái Đất nhất. </p> <p>Phạm vi quan sát nguyệt thực tại các khu vực gồm trung tâm Thái Bình Dương, phía Đông của Châu Á, Nhật Bản, Châu Úc và phía Tây của Bắc Mĩ. </p> <p>Tại Việt Nam, người dân có thể quan sát một phần diễn biến của <span>hiện tượng nguyệt thực</span> lần này, bắt đầu từ lúc 18h35, khi Mặt Trăng mọc lên từ đường chân trời cho đến khi kết thúc. </p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Những điều cần biết để quan sát nguyệt thực tại Việt Nam tối 26/5" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/26/vnn-imgs-f-vgcloud-vn_nguyet-thuc-3.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">Vào chiều tối nay (26/5), người dân Việt Nam có thể quan sát nguyệt thực bằng mắt thường. </td> </tr> </tbody> </table> <p>Khác với nhật thực, hiện tượng nguyệt thực có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, ngay cả đối với trẻ em và không cần đến biện pháp bảo vệ nào. Tuy vậy, người xem nên sử dụng kính thiên văn hoặc ống nhòm để có được trải nghiệm tốt nhất. </p> <p>Một lưu ý khác là người quan sát nên chọn những địa điểm thoáng đãng, có tầm nhìn rộng và ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng. </p> <p>Theo Cộng đồng Vật lý Thiên văn Việt Nam, tại Việt Nam chỉ quan sát được nguyệt thực một phần, sau khi pha toàn phần kết thúc. Nguyên nhân bởi Mặt Trăng ngày hôm nay lên hơi muộn nên giai đoạn "trăng máu" lại nằm dưới đường chân trời.</p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Những điều cần biết để quan sát nguyệt thực tại Việt Nam tối 26/5" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/26/vnn-imgs-f-vgcloud-vn_nguyet-thuc.gif" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">Mô hình nguyệt thực với phần bóng nửa tối của Trái Đất.</td> </tr> </tbody> </table> <p>Bạn đọc có thể tham khảo thêm diễn biến của nguyệt thực toàn phần ngày 26/5 theo các mốc thời gian dưới đây để chủ động trong việc quan sát. </p> <p>- <strong>15h47:</strong> Nguyệt thực nửa tối bắt đầu, Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất và bắt đầu giảm độ sáng.</p> <p>- <strong>16h44:</strong> Nguyệt thực một phần bắt đầu, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và dần bị che khuất một phần.</p> <p>- <strong>18h18:</strong> Nguyệt thực đạt cực đại, Mặt Trăng nằm ở gần trung tâm của vùng bóng tối.</p> <p>- <strong>18h25:</strong> Nguyệt thực toàn phần kết thúc, Mặt Trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng bóng tối của Trái Đất.</p> <p>- <strong>18h35:</strong> khi Mặt Trăng mọc lên từ đường chân trời.</p> <p>- <strong>19h52:</strong> Nguyệt thực một phần kết thúc, Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất.</p> <p>- <strong>20h49:</strong> Nguyệt thực nửa tối kết thúc, Mặt Trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối của Trái Đất.</p> <p> </p> </div> <p> </p>