Những điểm đến ý nghĩa ở Nghệ An dịp Quốc khánh 2/9
Quốc Lê
Nghệ An là quê hương của Bác Hồ, đồng thời là địa phương gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đây là một số địa điểm về nguồn giàu ý nghĩa ở Nghệ An dịp 2/9.
1. Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ ở TP Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa lớn mang ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con kiệt xuất của Nghệ An. Trung tâm Quảng trường đặt tượng đài Bác Hồ. Hình ảnh Người được tái hiện với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, dáng đi khoan thai, toát lên sự giản dị và gần gũi.
2. Làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) là quê ngoại Bác Hồ. Đây chính là nơi Người cất tiếng khóc chào đời và sống trong 5 năm đầu tiên của thời thơ ấu. Tại ngôi làng này, bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác - sinh ra và lớn lên, và ông Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác - được hun đúc tài năng và lòng yêu nước.
3. Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) là quê nội Bác Hồ. Tại ngôi làng này, Người sống tại ngôi nhà của thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sau ngày mẹ mất, từ năm 11 đến 16 tuổi (1901 – 1906). Thời kỳ sống ở làng Sen đã ảnh hưởng sâu sắc đến học vấn, nghị lực và lòng yêu nước của Người.
4. Núi Động Tranh (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) là nơi an nghỉ của thân mẫu Bác Hồ - cụ Hoàng Thị Loan (1868 - 1901). Mộ của người đã sinh ra Bác nằm ở lưng chừng núi, vị trí do ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột của Bác) chọn sau khi ông ra khỏi nhà tù thực dân, năm 1941.
5. Nằm trên núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP Vinh, đền thờ hoàng đế Quang Trung được khánh thành nhân kỷ niệm 220 năm sáng lập thành Phượng Hoàng Trung Đô - kinh thành vua Quang Trung cho xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết. Ngôi đền vừa là địa điểm tâm linh, vừa là nơi ôn lại một trang sử hào hùng của xứ Nghệ.
6. Nằm dưới chân núi Đụn, thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, đền thờ và lăng mộ vua Mai Hắc Đế là nơi tôn vinh vị anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của người Việt chống sự chiếm đóng của nhà Đường đầu thế kỉ thứ 8. Khu vực di tích tọa lạc chính là thành lũy của kinh đô Vạn An dưới triều đại vị vua họ Mai.
7. Nằm trên địa bàn ba phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung của TP Vinh, thành cổ Vinh được xây dựng vào đầu thời nhà Nguyễn, là nơi ghi dấu nhiều biến động lịch sử của xứ Nghệ. Ngày nay tòa thành bề thế một thời còn lưu giữ lại được ba cổng thành và các hào nước bao quanh tường thành xưa.
8. Nằm ở khu vực Ngã ba Bến Thủy của TP Vinh, tượng đài Công nông Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy là công trình ghi dấu sự kiện mở đầu cho Phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Tại địa điểm này, vào ngày 1/5/1930, hơn 1.200 quần chúng công nông đã kéo về nhà máy Trường Thi biểu tình đòi quyền lợi cho người lao động...