Trên báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Xuân Hậu - Khoa Ung bướu & Chăm sóc giảm nhẹ, BV Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ 11 dấu hiệu khả nghi liên quan đến bệnh lý tuyến giáp để có cách xử lý kịp thời, tránh việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn khi điều trị.
Ảnh minh hoạ |
11 dấu hiệu khả nghi
Biểu hiện đau cơ khớp, yếu cơ, hay bị chuột rút: Khi có biểu hiện đau cơ khớp, yếu cơ hoặc hay bị chuột rút...thì rất có thể là một trong những triệu chứng của suy tuyến giáp. Giải thích vấn đề này, theo BS Hậu là do thiếu hụt lượng hormone tuyến giáp sản xuất dẫn đến giảm tốc độ dẫn truyền thông tin từ thần kinh đến các cơ.
Xuất hiện tóc xơ, da khô: Nếu thấy tóc xơ, giòn, dễ gãy hơn, đồng thời da trở nên khô, dễ bong tróc, có thể bạn mắc các bệnh lý tuyến giáp. BS Hậu cho biết đây là do rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp (thường là suy chức năng tuyến giáp).
Kinh nguyệt không đều, có nguy cơ bị vô sinh: Bệnh lý tuyến giáp tác động tới chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, theo BS Hậu, nếu chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên không đều hoặc thậm chí mất kinh, bạn có thể đã bị suy giáp.
Còn nếu kỳ kinh không đều, thường thưa hoặc ít kinh thậm chí vô kinh, bạn có thể bị cường giáp. Do nồng độ hormone bị biến đổi, ảnh hưởng đến kinh nguyệt khiến chu kỳ thay đổi. Do đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới quá trình thụ tinh và sinh con trở nên khó khăn.
Ảnh minh hoạ |
Lượng cholesterol máu thay đổi: Những người bệnh mắc các bệnh lý tuyến giáp, thường tỷ lệ cholesterol trong máu thay đổi thất thường. BS Hậu cho biết, lượng cholesterol trong máu tăng hoặc giảm phụ thuộc vào các nguyên nhân gây ra tình trạng suy hoặc cường giáp tương ứng.
Có sự thay đổi thói quen đại tiện: Hormone tuyến giáp ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể, chính vì thế hệ tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Nếu tình trạng bị táo bón thường xuyên có thể đã mắc suy giáp. Nếu thường bị tiêu chảy và đau bụng có thể bạn đã mắc cường giáp, BS Hậu nhấn mạnh.
Huyết áp tăng hoặc giảm: Tuyến giáp có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tim mạch. Do đó, huyết áp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng cường giáp hoặc suy giáp.
Biểu hiện mệt mỏi, trầm cảm và lo âu không lý do: Nếu bạn không rõ lý do về tình trạng trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng và hoảng sợ. Hoặc bạn từng gặp dấu hiệu này nhưng chữa trị mãi vẫn không khỏi thì bạn nên sàng lọc bệnh lý tuyến giáp vì có khả năng bạn bị rối loạn hormone tuyến giáp.
Có thay đổi hình thể của cổ: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới của cổ vì vậy, nếu phát hiện phía cổ trước đầy hoặc to hơn bình thường thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tuyến giáp.
Có sự thay đổi về nuốt hay nói: Do các bệnh lý tuyến giáp không rõ ràng nhưng nếu lâu dài gây ra tình trạng khó nói hoặc khàn tiếng hay nuốt nghẹn.
Cân nặng thay đổi: Khi bị cường giáp, bạn luôn có cảm giác đói do các hormone sản sinh liên tục và dù ăn bao nhiêu vẫn bị giảm cân. Còn với suy giáp, bạn không có cảm giác muốn ăn và dù không ăn bạn vẫn tăng cân bất thường. Vậy nên nếu cân nặng của bạn trở nên thất thường mặc dù đã thay đổi khẩu phần ăn thì có thể bạn đã bị bệnh về giáp.
Gặp vấn đề về đường ruột: Hormone tuyến giáp ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể và hệ tiêu hóa cũng không phải ngoại lệ. Người bị bệnh liên quan tới tuyến giáp rất dễ gặp các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với người bị bệnh suy giáp thì sẽ dễ bị táo bón còn người bị cường giáp thì thường bị tiêu chảy và đau bụng.
Lưu ý: Nếu bạn gặp phải một trong những dấu hiệu trên hoặc đang nghi ngờ mình bị mắc các bệnh về tuyến giáp thì hãy đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không tự điều trị, dẫn đến hệ lụy cho sức khỏe.
4 thực phẩm cải thiện sức khỏe người bệnh tuyến giáp
VnExpress trích dẫn một số gợi ý của BS.CKI Trần Đông Hải (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) về các loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp.
Theo đó, iốt giúp cân bằng nội tiết tố tuyến giáp, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Thực phẩm giàu iốt như rong biển, hải sản tốt cho người bị bướu giáp nhưng không dùng cho bệnh nhân cường giáp. Iốt rất cần thiết cho tuyến giáp nhưng cần bổ sung ở mức hợp lý trong bữa ăn hàng ngày.
Bên cạnh đó, chế độ ăn của người bệnh ung thư tuyến giáp cần bổ sung các loại rau lá xanh. Vì đây là những thực phẩm chứa nhiều magie, khoáng chất, cung cấp dưỡng chất tốt, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp và cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.
Các loại hạt phổ biến như hạnh nhân, hạt điều, hạt bí... là nguồn cung cấp magie rất tốt cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, E, các khoáng chất khác hỗ trợ hoạt động hiệu quả của tuyến giáp.
Người mắc các bệnh tuyến giáp nên ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng, dùng thuốc theo chỉ định. Khi có các dấu hiệu khác thường ở cổ hoặc có triệu chứng như mệt mỏi, không thể chịu được nhiệt độ lạnh, cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh... người bệnh nên đến gặp bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường để thăm khám và điều trị phù hợp.