<div> <p>Trong 8 năm PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến Tiến giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế đã có bước chuyển mình cả về diện mạo và chất, bớt đi những hình ảnh xấu xí, những con “sâu làm rầu nồi canh” và thêm những lời cảm ơn, đồng cảm và sẻ chia. </p> <p>Xuất thân từ một người làm khoa học, làm chuyên môn khi làm lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM, về sau này bà mới theo con đường chính trị khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế, uỷ viên Trung ương Dự khuyết… và sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/11/23/botruongyte-1574484811369.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/26/botruongyte-1574484811369.jpg" title="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 1" /> <figcaption> <p>PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến giữ chức trưởng tư lệnh ngành y từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2019. </p> </figcaption> </figure> <p><strong>Quá tải bệnh viện – căn bệnh trầm kha </strong></p> <p>Quá tải bệnh viện là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn bà Tiến trở thành tân Bộ trưởng Bộ Y tế vào tháng 8/2011. 3-4 người trên một giường bệnh, thậm chí là 6, thậm chí là nằm gầm giường, phòng bệnh chật chội… là hình ảnh thường gặp tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương khi đó. </p> <p>Những con số “biết nói” như công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện K là 172% (thậm chí có thời điểm hơn 200%), Bệnh viện Bạch Mai là 168%, Bệnh viện Chợ Rẫy là 139%... cũng nói lên mức độ trầm trọng của tình trạng này. </p> <p>Người bệnh, người nhà ngao ngán, mệt mỏi, thậm chí tại nghị trường Quốc hội câu hỏi thảo luận nhiều nhất đó là “Khi nào thì hết quá tải?”.</p> <p>Quá tải bệnh viện không phải là thực trạng mới nổi, mà đã tồn tại nhiều năm. Khi đó, bà Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận “Giải quyết quá tải bệnh viện phải từ từ”. </p> <p>Thời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra một cam kết cụ thể về thời gian chấm dứt tình trạng nằm ghép trong bệnh viện năm 2020.</p> <p>Một loạt các giải pháp được triển khai: tăng số giường, làm việc thứ 7 và Chủ nhật, giảm thời gian chờ đợi, giảm thời gian nằm viện… Tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư, tại bệnh viện công xây thêm nhà mới, bệnh viện mới… Toà nhà 18 tầng tại Bệnh viện Bạch Mai, khu điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Việt Đức, cơ sở mới của các Bệnh viện Nội tiết Trung ương, K, Bạch Mai, Việt Đức… lần lượt đi vào hoạt động. </p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 2" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/11/23/botruongyte-3-1574484932337.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/17/botruongyte-3-1574484932337.jpg" title="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 2" /> <figcaption> <p>Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong suốt thời gian qua, quá tải bệnh viện luôn được ưu tiên giải quyết hàng đầu. </p> </figcaption> </figure> <p>Song song với đó, không thể xây mới mãi bệnh viện tuyến trung ương vì mở ra là quá tải nên ngành y tế hướng đến phát triển y tế cơ sở. Đầu tư, trang thiết bị xây mới, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới với đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816…</p> <p>Thực tế đến nay người dân đi khám đã bớt khổ hơn. Nhiều bệnh viện khang trang hơn, đầu tư phòng ốc, cơi nới kê thêm giường bệnh, tăng bàn tiếp đón, khám bệnh… Nhiều bệnh viện tỉnh đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó như mổ tim hở, can thiệp tim mạch, mổ chấn thương sọ não... 63% số bệnh viện tuyến trên đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh.</p> <p>Dù vậy vẫn còn đó dự án cơ sở 2 Bệnh viện Chợ Rẫy còn dang dở, người bệnh vẫn phải đi từ 4h sáng xếp hàng chờ khám, chất lượng y tế cơ sở dù đã được nâng lên song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu… </p> <p><strong>Tăng giá viện phí – gỡ nút thắt </strong></p> <p>Một trong những nguồn lực quan trọng để tạo tiền để cho bước chuyển mình của cả hệ thống y tế chính là việc điều chỉnh giá viện phí.</p> <p>2.000-3.000 đồng cho một lần khám bệnh, 12.000-13.000 đồng cho một ngày nằm điều trị là số tiền bảo hiểm y tế chi trả cho các bệnh viện thời điểm đó. Có những bệnh viện bệnh nhân vẫn nằm chiếu và chăn chiên vì không có tiền. Giá dịch vụ y tế được ban hành từ năm 1995 và sớm nhất năm 2006 đã trở nên lỗi thời.</p> <p>Vì thế, từ năm 2012 Bộ Y tế quyết định điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, theo hướng tính đúng, tính đủ, đúng với giá trị thật. </p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 3" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/11/23/botruongyte-2-1574484992553.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/08/botruongyte-2-1574484992553.jpg" title="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 3" /> <figcaption> <p>PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bé Gấu, con của cố thiếu úy từ chối chữa ung thư để sinh con. </p> </figcaption> </figure> <p>Cán bộ y tế mong mỏi, còn người dân kêu tăng giá thì chỉ khổ người nghèo, rồi tăng giá có đảm bảo tăng chất lượng. Vì thế, khi đó dù mới chỉ điều chỉnh 3 trong 7 chi phí trực tiếp hình thành giá, Bộ Y tế vẫn yêu cầu các bệnh viện phải trích lại một phần để tái đầu tư vào cơ sở sở vật chất. Đặc biệt, nếu bệnh viện nằm ghép đôi, ghép ba thì giá giường bệnh sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba. </p> <p>Thực tế đã chứng minh khi giá dịch vụ cao, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn. Người dân được hưởng lợi vì bảo hiểm y tế tăng chi trả.</p> <p><strong>“Thay máu” ngành y</strong></p> <p>Đến bây giờ nhắc lại bà Tiến vẫn không khỏi cảm thấy bùi ngùi trước hình ảnh đút xèng vào miệng Táo Y tế trong chương trình Gặp nhau cuối năm 2013. Hình ảnh phản ánh về nạn phong bì, lót tay trong bệnh viện. </p> <p>“Nhiều cán bộ y tế, bác sĩ, điều dưỡng đã khóc, thấy sao lại bất công thế. Mình cũng thấy thương anh em, thấy cay cay”, bà Tiến chia sẻ. Dù vậy bà cũng phải thừa nhận thời điểm đó “vào bệnh viện thái độ chung là kinh khủng”. </p> <p>Bà Tiến gọi đó là “kỷ niệm” vì “nhờ đó để ngành y thay đổi, dấy lên lòng tự trọng ở cán bộ y tế. Lúc đó không có con đường nào nữa để lựa chọn ngoài thay đổi, phải ‘thay máu’”. </p> <p>Trên diễn đàn Quốc hội năm 2012, Bộ trưởng Tiến khi đó cũng phải thừa nhận thực trạng xuống cấp y đức, tiêu cực trong ngành mình quản lý. Bà bày tỏ mong muốn “các đồng nghiệp vì lòng tự trọng hãy thay đổi. Còn bệnh nhân, người nhà cương quyết không đưa phong bì". Vấn đề y đức lại tiếp tục nêu lên tại nghị trường Quốc hội trong năm 2013 với đỉnh điểm là vụ Cát Tường.</p> <p>Cấm cán bộ y tế nhận phong bì, các bệnh viện ký cam kết thay đổi để hướng tới sự hài lòng của người bệnh, lập đường dây nóng, tổ chức các lớp đào tạo về quy tắc ứng xử, kỷ luật cán bộ y tế vi phạm về đạo đức... là một loạt các giải pháp ngành y tế đưa ra.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 4" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/11/23/botruongyte-4-1574485046428.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/12/botruongyte-4-1574485046428.jpg" title="Những dấu ấn khó quên trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - 4" /> <figcaption> <p>Kết thúc 8 năm làm Bộ trưởng Y tế, bà Tiến thấy vui vì chất lượng dịch vụ y tế tăng lên. </p> </figcaption> </figure> <p>Hỏi không thưa, trả lời cộc lốc, mắng mỏ người bệnh, người nhà, vô cảm... là những hình ảnh xấu xí về cán bộ y tế trong mắt người dân. Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để thay đổi hình ảnh cán bộ y tế trong mắt người dân. </p> <p>"Các bệnh viện không thay đổi thái độ phục vụ thì sẽ có ngày phải ngồi chơi”, “Thay đổi để lấy lại niềm tin của người dân” là những chỉ đạo quyết liệt của bà Tiến trên cương vị Bộ trưởng khi đó. </p> <p>“Lúc đổi mới chính sách gây áp lực rất lớn, có những lúc gây áp lực kinh khủng cho anh em vì thay đổi toàn bộ, ép các vụ cục, sở, các bệnh viện. Nhưng đến lúc có kết quả thì giám đốc sở hay giám đốc các bệnh viện tỉnh, huyện đầu rất phấn khởi. Đấy là niềm vui của tôi và của cả hệ thống”, bà Tiến chia sẻ. </p> <p>Điều bà vẫn còn trăn trở là nhiều công trình y tế xây dựng còn dang dở. Bà mong muốn làm sao để người dân được sống khỏe, cuộc sống có chất lượng tốt, chất lượng cao, được dự phòng bệnh, được sàng lọc phát hiện sớm bệnh, không chỉ chăm sóc người bệnh mà chăm sóc người khỏe, phòng bệnh hơn chữa bệnh. </p> <div> <p>Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh ngày 1/8/1959, quê Hà Tĩnh có chuyên môn phó giáo sư, tiến sĩ Y khoa. Từng giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, bà sau đó làm Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược TP HCM, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết, Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS khu vực phía Nam, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế.</p> <p>Từ năm 2007, bà đảm nhiệm các vị trí ủy viên dự khuyết Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế. Tại Đại hội Đảng lần thứ 11, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011.</p> <p>Ngày 14/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ủy viên ban cán sự Đảng Chính phủ đã nhận quyết định kiêm chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế, thay bà Kim Tiến.</p> <p>Chiều 22/11, tại Quốc hội, sau một nhiệm kỳ thứ trưởng và 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ nhận quyết định miễn nhiệm và chuyển sang vị trí Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.</p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>