Những cột mốc phát triển của trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Dù ở bất kỳ độ tuổi nào trẻ cũng cần được chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý để phát triển và duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, đối với mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm riêng và trong từng hoàn cảnh cụ thể thì phải xem xét chế độ dinh dưỡng chuyên biệt ưu tiên cho đối tượng.

Con người, ngay từ khi mới là bào thai, sinh ra và trưởng thành đến khi già trải qua nhiều giai đoạn. Một trong những giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ và sức khỏe cũng như về tương lai của mỗi con người phụ thuộc vào giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, giai đoạn trẻ vị thành niên và thành niên.

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, thì nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người tùy theo tuổi, giới, tình trạng sinh lý, mức độ hoạt động thể lực. Ứng với mỗi một giai đoạn trong chu kỳ vòng đời thì cần một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng cá thể.

Cùng với thời gian, trẻ em không chỉ lớn lên theo độ tuổi mà còn lớn lên theo từng cột mốc của sự phát triển. Cột mốc phát triển là những hoạt động, các kỹ năng về thể chất, tinh thần và giao tiếp trong suốt quá trình lớn lên của trẻ. Bên cạnh các chỉ số về chiều cao và cân nặng, thì các hoạt động và kỹ năng sẽ là cơ sở để đánh giá sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ tại một thời điểm nhất định. 

Các giai đoạn (cột mốc) phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là dinh dưỡng, di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố dinh dưỡng quyết định đến 32% và đây là yếu tố quan trọng nhất để có các giải pháp can thiệp và đem lại hiệu quả cao.

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) khi còn nhỏ đặc biệt trong 2 năm đầu đời sẽ có nguy cơ cao trở thành những trẻ tuổi vị thành niên bị còi cọc (nhẹ cân và thấp còi); Những nữ vị thành niên bị SDD không có khả năng đuổi kịp tốc độ phát triển so với các bạn cùng trang lứa mà không bị SDD và điều tất nhiên, những nữ vị thành niên này có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là khi mang thai sẽ sinh ra những trẻ bị SDD bào thai (cân nặng sơ sinh < 2.500g); những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp lại có nguy cơ bị SDD cao hơn, đó là cái vòng xoắn luẩn quẩn của SDD. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng cân đối theo nhu cầu lứa tuổi và lối sống lành mạnh cần phải thực hiện sớm khi trẻ ở giai đoạn vị thành niên và thành niên, phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con để có một vòng đời mới “thế hệ trẻ mới sinh ra” thoát khỏi vòng xoắn của SDD một cách bền vững.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Theo Đời sống
back to top