Tranh Hàng Trống múa lân
Từng là một trung tâm làm tranh lớn
Sở dĩ gọi là “Tranh Hàng Trống” là vì loại tranh này được sản xuất và bày bán tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Tuy vậy, tranh Hàng Trống trước kia cũng được làm ở các phố khác như phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt (Hà Nội), nhưng tập trung làm và bán nhiều nhất vẫn ở Hàng Trống. Các phố làm tranh này trước kia đều thuộc tổng Tiên Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long.
Cùng với tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống đã góp phần rất lớn tạo nên nét độc đáo, sự đa dạng, sâu sắc, vẻ đẹp rực rỡ cho tranh dân gian Việt Nam. Tranh Hàng Trống là trung tâm làm tranh lớn thứ hai sau làng tranh Đông Hồ. Có thể dễ dàng bắt gặp tranh Hàng Trống ở nơi linh thiêng nhất trong các đền, miếu, điện thờ, trong các bộ sưu tập tranh quý giá nhất của các tư nhân và các viện bảo tàng ở nhiều nứơc trên khắp các châu lục.
Cũng như một số dòng tranh dân gian khác, tranh Hàng Trống gồm hai loại chính là tranh thờ và tranh Tết. Trong đó, tranh thờ chiếm đến 80% trong các sản phẩm được bán ra. Tranh được bán rất nhiều vào các dịp gần Tết để người dân mua về trang trí và thờ phụng trong nhà.
Tranh Hàng Trống đa dạng về đề tài, mỗi đề tài đều có những bức tranh rất nổi tiếng như: Tranh thờ: Loại tranh này phục vụ cho nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu như Tam tòa thánh mẫu, Tứ phủ, Ngọc Hoàng; tranh ước vọng: “Phúc Lộc Thọ (Tam Đa), Thất Đồng, Tôn Tử Vạn Đại; tranh tả cảnh sinh hoạt và thiên nhiên: Chợ quê, Canh nông chi điền, Chim công, Lý Ngư Vọng Nguyệt, Tứ Quý, Tố Nữ”… tranh truyện và tranh vui: “Chuột vinh quy, Thầy đồ cóc, Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa”…
Trải qua thăng trầm lịch sử, thị hiếu nghệ thuật, giải trí của người dân nói chung và người dân kinh kỳ nói riêng đã thay đổi lớn mạnh, dòng tranh Hàng Trống đã mai một dần. Đến nay, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên là con trai của nghệ nhân Lê Đình Liệu đang ra sức bảo tồn dòng tranh Hàng Trống. Ông đang cố gắng truyền nghề cho con trai mình là họa sĩ Lê Hoàn. Họa sĩ Lê Đình Nghiên hiện có một xưởng vẽ tranh Hàng Trống ở phố Cửa Đông, Hà Nội, nơi đang lưu giữ khoảng 50 ván in Hàng Trống, ván in có tuổi cổ nhất chừng 200 năm.
Phường tranh Hàng Trống tồn tại và phát triển rất lâu đời, rất nổi tiếng và trở nên phồn thịnh một thời. Những sản phẩm của trung tâm sản xuất tranh dân gian này hết sức độc đáo. Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn.
Họa sĩ Lê Hoàn đang vẽ tranh trong buổi khai mạc triển lãm “12 dòng tranh dân gian Việt Nam” (Bảo tàng Hà Nội)
Bức tranh ngũ hổ nổi tiếng trong bộ sưu tập tranh Hàng Trống
Nét tài hoa của người kinh kỳ
Tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác biệt so với Tranh Đông Hồ ở vùng đất Kinh Bắc. Nếu như ở Tranh Đông Hồ, in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ thì ở Tranh Hàng Trống in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó bồi hay giấy báo khổ rộng. Nói cách khác, tranh Hàng Trống là loại tranh nửa in nửa vẽ: Sau khi in một lần bản nét để làm xương sống cho tác phẩm, các nghệ nhân phải gia công bằng việc tô màu lên bản in đó rất tỉ mỉ.
Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, các mẫu tranh này do các nghệ nhân đảm nhiệm, gọi là “ra mẫu”. Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất của từng nhóm thợ, rất tinh tế, giàu kinh nghiệm, nên khi đặt bút vẽ trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa.Người vẽ mẫu cũng là người đặt lời tựa trên tranh. Chữ trên tranh phải đạt mức làm rõ nghĩa của tranh, làm cân đối thêm bố cục tác phẩm mà không bị rườm rà. Độ khó và tình chất tỉ mỉ ấy khiến cho một số mẫu tranh phải sáng tác hàng tháng mới xong.
Tiếp sau đó đến công đoạn bồi tranh. Công đoạn này là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm, sự thành công và tồn tại lâu bền của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này. Việc bồi tranh thể hiện sự tích lũy kinh nghiệm của các nghệ nhân đời sau với thế hệ đi trước. Sau khi đã có được bản in hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay) nên mỗi tác phẩm thuộc dòng tranh Hàng Trống lại có sự sáng tạo và thể hiện được cảm hứng, xúc cảm riêng của người nghệ sĩ.
Các màu chủ đạo trong tranh Hàng Trống thường là: lam, hồng, lục, đỏ, da cam, vàng và các phẩm màu được pha chế thêm với nước để có độ đậm nhạt khác nhau. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân dân gian Hàng Trống đã vờn chuyển mầu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối, chuyển sắc tinh tế nên các nhân vật trong tranh không còn là mảng dẹt như cách thể hiện của các dòng tranh đương thời.
Với bút pháp diễn tả ấy, các nhân vật đã nổi khối và có nhiều sắc thái biểu cảm hơn. Đồng thời với việc vờn chuyển diễn tả khối này, các nghệ nhân còn đi sâu vào việc phát huy khả năng diễn tả của nét. Cùng với những nét được khắc in qua bản gỗ, các nghệ nhân tranh Hàng Trống còn dùng bút để nẩy, tỉa. Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân dòng tranh dân gian Hàng Trống của Hà Nội không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật.
Khi xem tranh Hàng Trống, bất kì người nào cũng có ấn tượng về một dòng tranh sinh động, có thần thái rõ ràng. Vì thế, tranh Hàng Trống xưa kia đã đáp ứng được thị hiếu của tầng lớp thị dân trên mảnh đất Thăng Long văn hiến.
Tranh hàng trống tưng phát triển mạnh mẽ nhất vào khoảng thế kỉ XIX với những đề tài phù hợp với thị hiếu của người Tràng An. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những nét nổi bật nhất của dòng tranh này với các tác phẩm như: Tam tòa Thánh Mẫu, Bà chúa thượng ngàn, Tứ phủ… Điều đó cho thấy tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong tranh dân gian của nước ta.
Lăng Dương