Tranh kính Huế có nhiều sự khác biệt so với tranh kính Nam Bộ, hiện được lưu giữ khá nhiêu ở trong các lăng tẩm, cung điện của vua chúa ở vùng đất cố đô. Đây là dòng tranh mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện hình vẽ, màu sắc cùng chất liệu độc đáo của chúng.
Tranh kính Huế về đề tài phong cảnh
Một dòng tranh quý phái
Tranh kính Huế còn được gọi là tranh gương, là một di sản khác đặc biệt bởi dòng tranh này vừa có tính dân gian nhưng cũng rất đậm nét sắc màu cung đình. Tranh kính Huế được làm ra để phục vụ cho tầng lớp vua chúa quan lại của cung đình xưa kia. Vì vậy, hầu hết các tranh kính Huế có giá trị còn lại hiện nay (khoảng 100 bức) đều là sản phẩm của triều Nguyễn để lại. Chúng được trưng bày, lưu trữ tại cung đình Huế, các cung điện, lăng tẩm, đền miếu, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật và xuất hiện lẻ tẻ ngoài địa bàn các di tích.
Thường được trưng bày ở những nơi cao sang, đài các như vậy, tranh kính Huế đã tự mang cho mình dáng vẻ đầy sang trọng, quyền quý, không dân dã, đời thường như các dòng tranh dân gian khác. Tranh kính Huế được đóng trong những khung gỗ chạm thiếp vàng rất cầu kỳ. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn của dòng tranh nơi cung đình so với các dòng tranh dân gian đương thời.
Khi đến thăm cố đô Huế, du khách có thể thấy tại lăng Tự Đức, điện Hòa Khiêm, cung An Định hiện còn lưu giữ được những tranh gương tuyệt đẹp, mỗi bức có kích cỡ khoảng 90 × 60cm. Những hình vẽ các sự vật hoa lá, cây cỏ được chạm nổi. Theo nhiều tài liệu về dòng tranh này ghi chép, sơn thếp vàng dùng trong tranh là vàng thật, được dát mỏng ra rồi dùng một loại keo đặc biệt để gắn lên. Vì thế, qua sự trôi chảy của thời gian, những bức tranh gương quý phái ấy vẫn không bị phai màu vàng, độ óng ánh của kim loại này vấn được lưu giữ. Trải qua thăng trầm lịch sử, những bức tranh vẫn rực rỡ, tươi tắn như mới, có độ phát quang, lan tỏa giữa các màu.
Theo đề tài được thể hiện qua tranh gương Huế, có thể phân chia thành 3 loại tranh như sau:
Loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh, hiện tại Huế còn lại 40 bức khá nguyên vẹn. Các bức tranh này cũng chia làm một số loại nhỏ như tranh đề vịnh các cảnh đẹp của mảnh đất kinh đô (chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng), tranh minh họa các bài thơ đề vịnh bốn mùa trong năm, tranh vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh sinh tình.
Trong cuốn Mỹ thuật Huế của tác giả Nguyễn Tiến Cảnh xuất bản năm 1992 có ghi: “ Hầu hết những tranh này thiên về bảng màu lạnh, cảnh sắc và cả mái nhà đều là màu xanh, mây trời cũng trắng xanh, chỉ có cột nhà đỏ và viền nét vàng. Tất cả được vẽ rất chi tiết, mảng màu vờn chuyển sắc độ tinh tế, các nhân vật được tỉa tót tỉ mỉ, bố cục dựa trên viễn cận xã hội theo tâm lí ngược với chiều nhìn tự nhiên. Họa gia tưởng tượng những cảnh trong thơ của vua Thiệu Trị theo thiên nhiên xứ lạnh mà họ đang sống và thể hiện theo lối “công bút” rất cẩn thận. Những tranh này vẽ trực tiếp lên mặt sau của kính, vẽ và viết theo lối “bản âm” để khi nhìn mặt trước trở thành bản dương, màu ngoài vẽ trước, màu trong vẽ sau và cuối cùng mới vẽ màu nền. Màu tốt bền, ngày nay vẫn giữ nguyên”.
Loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa không đề thơ nhưng có đề rõ chủ đề tranh rõ ràng như bức: “Nhậm dụng tam kiệt”, “Chiêu nho giảng kinh”, “Dạ phân giảng kinh”… Về kỹ thuật vẽ của loại tranh này, theo đánh giá của giáo sư Chu Quang Trứ, “Những bức tranh ở dạng này cũng chú trọng tỉa tót các nét vẽ, thiên dùng các màu ấm nhưng pha chế không kĩ nên nhiều mảng màu bị ố.
Loại tranh vẽ tĩnh vật chỉ xoay quanh 2 chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa trái. Trong cuốn Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, tác giả Nguyễn Hữu Thông chủ biên, xuất bản năm 1992 có ghi chép lại sự đánh giá của các nhà nghiên cứu với loại tranh gương này: “Sự hiện diện của tranh gương tĩnh vật thời Nguyễn được chứng tỏ qua 10 bức tranh gương cỡ 50 x 60cm, treo trên tường các cột ngoài của chính điện lăng Đồng Khánh. Họa tiết gồm bình hoa quả phẩm, lư trầm hay nghiên bút đặt trên những kỷ biến đổi nhiều dáng, được viền bằng những đường hồi văn, màu sắc phong phú, thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền, trên đó nổi bật màu đỏ chu của kỷ, màu xanh ngọc của bình hoa làm cho bức tranh tĩnh vật nào cũng lộng lẫy mà có duyên thầm”.
Tranh kính Huế kết hợp giữa con người và cảnh vật
Tranh kính Huế về khung cảnh kinh đô thời Nguyễn
Kĩ thuật vẽ phức tạp
Vẻ đẹp của dòng tranh cung đình này chính là giá trị riêng biệt giúp tranh kính Huế có phong cách, cá tính riêng. Để làm nên điều đó, việc sử dụng nguyên liệu và kỹ thuật vẽ tranh cũng có điểm đặc biệt của nó. Chắc hẳn, những bức tranh gương lộng lây, sang trọng được treo trong cung đình, lăng tẩm của vua chúa phải được tạo nên từ những họa sĩ tài giỏi nhất lúc bấy giờ.
Kỹ thuật làm tranh kính Huế tương đối phức tạp, độ khó cao hơn nhiều so với tranh kính của người dân Nam Bộ. Chất liệu để vẽ loại tranh này là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương theo kiểu vẽ âm bản để nhìn mặt trước thành dương bản. Kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi người nghệ nhân phải hết sức tài hoa, khéo léo và có trí tưởng tượng cực kỳ phong phú mới có thể thực hiện được. Do kỹ thuật phức tạp, sự tư duy về mặt hình tượng là rất riêng, người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải) đòi hỏi sự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu và đặc trưng phản ánh.
Vì thế, khi thực dân Pháp vào xâm lược nước ta từ năm 1958, sự đi xuống của triều đình rồi những cuộc khởi nghĩa xảy ra liên mien đã khiến cho việc duy trì dòng tranh tuyệt đẹp này bị mai một dần. Ngày nay, để thờ cúng, người Huế vẫn còn mua các tranh gương về đề tài Phật giáo như Quan Thế Âm, Phật Thích Ca Mâu Ni, ngũ quả, hoa sen… và loại tranh thờ Mẫu, Thần tài, Táo quân.
Trong sự lụi tàn dần của một dòng tranh cung đình tuyệt đẹp này, họa sĩ Nguyễn Văn Kính đã quyết định theo đuổi nghề vẽ tranh gương Huế. Anh mạnh dạn dùng màu chuyên dụng cho tranh gương của Pháp, loại màu này cho phép nhìn bức tranh 2 mặt gần như nhau chứ không chỉ một mặt như tranh gương trước đây. Những sản phẩm của anh đã được giới thiệu tại Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế 2016, thu hút nhiều người quan tâm.
Lòng yêu nghề và quyết tâm của họa sĩ Nguyễn Văn Kính là một tín hiệu đáng mừng cho việc nối tiếp vẻ nghệ thuật tuyệt bích của tranh kính Huế. Đây là một dòng tranh sang trọng, quý phái, kĩ thuật làm tranh đã phần nào khẳng định được giá trị lớn lao và độc đáo của dòng tranh này.
Một bức tranh kính Huế được thếp vàng rất sang trọng
Họa sĩ Nguyễn Văn Kính đã về các vùng vẽ tranh gương nổi tiếng xưa kia như Kim Long, Gia Hội, phố cổ Bao Vinh… để tìm những nghệ nhân làm tranh gương học hỏi kinh nghiệm nhưng không còn ai. Vì thế, anh phải tự mày mò kĩ thuật vẽ dòng tranh này. Hiện họa sĩ Dương Văn Kính đã có thể tạo nên những sản phẩm tranh gương trang trí khổ nhỏ về theo các đề tài của tranh dân gian làng Sình, tranh Đông Hồ, sen Huế để quảng bá du lịch.
Song Dương