<div> <p>Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết việc dùng rượu bia truyền vào dạ dày bệnh nhân để điều trị ngộ độc Methanol đã được một số bác sĩ, một số cơ sở y tế trên thế giới sử dụng từ lâu, nhưng chỉ mang tính tạm thời. Cho đến thời điểm hiện tại, y văn chưa đưa ra phác đồ, hệ thống y tế tất cả các quốc gia cũng chưa đưa ra khuyến cáo dùng phương pháp này.<br /> <br /> Theo bác sĩ Phúc, hiện nay, có sản phẩm Ethanol nguyên chất hoặc Fomepizole, nhưng không có sẵn trên thị trường và ở các cơ sở y tế. Vấn đề sử dụng Ethanol tiêm tĩnh mạch cũng gặp phải những khó khăn, như việc duy trì nồng độ ổn định trong máu vì tính dược động học của chất này khá thất thường, bệnh nhân có thể say, có thể tổn thương gan và hạ đường huyết.<br /> <br /> Rải rác một số cơ sở y tế và một số bác sĩ hồi sức cấp cứu sử dụng tiêm Ethanol.</p> <p>Fomepizole được cho là khắc phục phần nào những khó khăn của Ethanol, nhưng vẫn đang chờ những nghiên cứu, chứ chưa có kết luận lâm sàng chắc chắn.</p> <p>Một nghiên cứu được Hiệp hội Y khoa Massachusetts công bố năm 2001, theo đó có 11 bệnh nhân ngộ độc Methanol được tiêm Fomepizole kết hợp lọc máu, 2/11 nạn nhân chết vì vào viện quá nặng đã tổn thương chảy máu não, 9/11 nạn nhân khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng.</p> <p>Không có Ethanol hay Fomepizole tiêm tĩnh mạch, một số cơ sở y tế đã nảy sinh sáng kiến truyền rượu bia vào dạ dày bệnh nhân, mà điển hình là các bác sĩ ở Ấn Độ sử dụng trong vụ ngộ độc tập thể lớn năm 2015.<br /> Sự việc xảy ra ngày 13 tháng 6 năm 2015.</p> <div>150 cư dân địa phương Malwani đã mua rượu tự chế về uống, giá 10 Rupi mỗi túi. Đó là những người lao công, công nhân, người giúp việc, họ chưa bao giờ được nhấp một giọt bia, rượu vang hay Whisky.</div> <p>Có 19 người chết trước khi được đưa đến bệnh viện.</p> <p>131 người bị ngộ độc may mắn hơn được chuyển đến các bệnh viện thuộc Mumbai, nhưng chỉ có 48 người được cứu sống, số còn lại theo các bác sĩ là chuyển đến viện đã quá muộn.</p> <p>Bác sĩ tiến hành pha loãng rượu Whisky với nước theo tỉ lệ 1:1 rồi truyền vào dạ dày.</p> <p>Thực tế, 48/131 nạn nhân ngộ độc Methanol được cứu sống, đó là con số quá lớn với những người làm hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Sulema trưởng khoa ICU cho biết: “Nếu bệnh nhân đến sớm trong vài giờ đầu xuất hiện triệu chứng, bằng phương pháp truyền Whisky pha nước theo tỉ lệ 1:1 vào dạ dày, kết hợp với lọc máu, bệnh nhân sẽ ổn định.”<br /> </p> <div>Khánh Chi</div> </div> <div> <div> <div> </div> </div> </div>