Tôi ngó qua thấy cơm trắng tinh, nồi canh (hình như là bí) nhờ nhờ không màu, không mùi (vì chẳng có hành), nồi đậu xốt cũng trắng tinh vì cà chua quá ít, lại cũng không hành. Cơm hôm nay còn có thịt, mấy miếng thịt ba chỉ nhào lộn trong cái nồi lõng bõng nước, cũng trắng nhởn.
Hình minh họa
Có chị trong đoàn phải chạy ra ngoài vì không cầm được nước mắt khi nhìn cảnh bọn trẻ con ăn uống như vậy.
Tôi vẫn cố tự an ủi, có tí thịt, đậu thế là tốt rồi. Nhưng hình như bọn trẻ cũng không ăn nổi, vì chỉ vài phút sau đã thấy chúng theo nhau mang cơm thừa đi đổ vào một bao tải đã gần đầy. Có đứa còn đến 2/3 bát.
Rồi chúng mang bát ra bể nước rửa, có đứa dùng tay ngoắng vài nhát cho xong, đứa thì đổ cả đống nước rửa bát, sục cho ngầu bọt lên rồi tráng. Cứ thế mang vào lớp úp trong tủ.
Được biết, học sinh bán trú ở đây được tiêu chuẩn mỗi tháng 15kg gạo và 460.000đ. Như vậy là suất ăn của các em mỗi ngày ngoài gạo còn được 15.300đ, gồm bữa sáng 2.300đ, bữa trưa và tối 6.500đ. Tất nhiên là quá ít ỏi, nhưng đó là cố gắng rất nhiều của nhà nước. Phần còn lại bản thân các trường, các thầy cô phải khắc phục.
Mặc dù rất thông cảm với vô vàn những vất vả của các thày cô ở đây, nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Giá như trường có tăng gia sản xuất. Chỗ cơm thừa kia để nuôi lợn, nuôi gà, rồi trồng rau… thì cũng làm phong phú thêm cho bữa cơm của các em.
Hay đơn giản hơn, giá cách nấu nướng, chế biến được đầu tư hơn, nồi canh bí có thêm mấy cọng hành, đậu xốt đậm đà hơn, mấy miếng thịt được rang cháy cạnh thơm hơn… thì có lẽ các em sẽ ăn uống hào hứng hơn. Rồi thì đậu, lạc, vừng, cá khô, moi khô, dưa cà, măng muối… những thứ căn bản của nhà nghèo cũng không thấy đâu cả.
Ông bà ta vẫn bảo khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Càng nghèo càng phải tính toán, sáng tạo… càng phải tìm mọi cách để làm phong phú hơn, sinh động hơn cho bữa ăn, chứ không phải để một bữa ăn toàn màu trắng buồn bã như thế.
Tất nhiên là khó, nhưng không phải là không thể làm được. Chỉ cần có một tấm lòng.
Minh Anh