Hoàn toàn trái ngược với chữ “Slim” (có nghĩa là mảnh khảnh) trong họ tên của mình, ngài Carlos Slim có khối tài sản khổng lồ lên tới 77,1 tỷ USD. Hiện ông là người giàu thứ 2 thế giới và chỉ đứng sau ông hoàng công nghệ Bill Gates khoảng 2 tỷ USD.
Tham gia đầu tư từ năm 12 tuổi
Có lẽ được thừa hưởng khả năng kinh doanh truyền thống của gia đình nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Carlos Slim đã tham gia đầu tư cổ phiếu. 44 cổ phiếu đầu tiên trong đời mà ông mua là của ngân hàng Banamex, một trong những ngân hàng lớn nhất Mexico lúc đó. Năm ấy, Carlos Slim mới 12 tuổi.
Năm 17 tuổi, vào ngày tốt nghiệp phổ thông cậu bé Slim đã có 31.900,26 peso từ thương vụ đầu tư thông minh với Banamex. 9 năm sau, Carlos Slim đã có 400.000 USD trong tài khoản, một số tiền không nhỏ với thanh niên 26 tuổi lúc bấy giờ.
Quý ngài độc quyền
Cả thế giới đều nghiêng mình trước tài kinh doanh và trí nhớ siêu việt đối với những con số của ông, đến nỗi người ta sẵn sàng biến hoá nó thành những huyền thoại. Số tiền mà ông kiếm được trung bình khoảng 30 triệu USD một ngày trên tất cả các lĩnh vực truyền thông, dịch vụ, bảo hiểm. Hầu như 100% người dân Mexico đều sử dụng ít nhất 1 sản phẩm từ thương hiệu Carlos Slim. Ông cũng là người sở hữu toàn bộ các cây xương rồng ở Mexico.Thế nên người ta gọi ông là “Mister Monopoly” có nghĩa là “Quý ngài độc quyền”.
Có thể nói thế giới Carlos Slim là người giàu thứ hai, nhưng tại quê nhà ông là kẻ bất khả chiến bại trên đấu trường tài sản. Ít ai biết rằng cách đây 14 năm khi mua 1 cổ phiếu của Telmex, Carlos Slim chỉ bỏ ra có 0,8 cent. Còn bây giờ, khi đã là ông trùm của đế chế truyền thông Telmex, giá cổ phiếu của nó trên thị trường chứng khoán là 34 USD.
Là một nhà từ thiện vĩ đại
Gần 5000 trẻ em phạm pháp ở Mexico đã có cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường. 11.000 ca mổ trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí Và hơn 20.000 sinh viên nghèo khó nhận được học bổng hàng năm từ từ quỹ từ thiện của Carlos Slim Helu.
Khác với Bill Gate là hiến tặng toàn bộ tài sản, Carlos Slim chia quả ngọt cho tất cả mọi người. Ông từng trả lời phỏng vấn báo chí rằng: “Tài sản giống như một vườn cây vậy, cái bạn chia sẻ là quả của nó chứ không phải những cái cây. Sự đói nghèo không thể bị đẩy lùi nhờ quyên góp, ủng hộ, cái chúng ta cần để đối phó với nó là sức khỏe, giáo dục và việc làm. Vì thế, thay vì làm một Santa Claus phân phát quà khắp nơi, hãy tập trung vào công việc kinh doanh của chính mình.”
Không chỉ quan tâm đến vấn đề giáo dục, việc làm và sức khoẻ trẻ em, ngài Slim còn là người quý trọng những giá trị văn hoá. Ông đã chi hơn 50 triệu USD để tu sửa lại 34 toà nhà cổ tại trung tâm tài chính xưa kia của thành phố, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Tậu được một đội bóng chày nhưng chỉ muốn bỏ tiền mua vé
Carlos Slim thường xuyên có mặt trong các trận của đội bóng chày New York Yankees và có thể tường thuật lại tỷ số của trận đấu một cách mạch lạc.Phát biểu trước báo Boston Globe, ông cho biết 5 huyền thoại bóng chày nổi tiếng mọi thời đại bao gồm Babe Ruth, Ted Williams, Ty Cobb, Lou Gehrig và Rogers Hornsby.
Ông cũng có đủ tiền để mua một thậm chí là nhiều đội bóng chày chuyên nhưng ông từ chối việc mua chúng và chỉ muốn tiếp tục mua vé đến xem.
Mặc cả với một chiếc cà vạt
Thói quen mặc cả khi mua bán và ghi chép mọi thứ chi tiêu trong ngày được ông trùm truyền thông duy trì từ những ngày ông còn là ông chủ của cửa hàng quần áo “Ngôi sao phương Đông”. Bởi thế sau này, khi đã là một tỷ phú Carlos Slim vẫn giữ thói quen này.
Người ta đã bắt gặp ông bỏ 2 tiếng “thương thuyết” với một người chủ của hàng cà vạt trên phố. Cuối cùng Carlos Slim đã thành công khi người chủ đó đồng ý giảm giá 10%.
Sự giản dị và không màu mè của ông còn được duy trì trong nếp sống. Vị đại gia Nam Mỹ này chỉ sở hữu một căn nhà duy nhất ở Mexico với 6 phòng ngủ và một bể bơi nhỏ. Ông không thuê lái xe riêng và thường tự tay nấu nướng những món yêu thích trong sân nhà.
Carlos Slim nói rằng kiếm tiền không phải là mục tiêu của ông và trở thành người giàu nhất thế giới không phải là một cuộc đua. Đơn giản, ông chỉ muốn là một doanh nhân giỏi.
Ông trùm truyền thông “mù” công nghệ
Slim là người rất tỉ mỷ, mọi kế hoạch của ông đều được ghi chú vào một quyển sổ mà lúc nào ông cũng mang bên mình. Mọi kế hoạch kinh doanh của ông đều được trình bày ra giấy. Chính vì thế Slim nói không với email và máy tính.
Tuy sở hữu rất nhiều công ty về lĩnh vực công nghệ, nhưng Carlos thừa nhận rằng mình chẳng hiểu gì về cơ chế hoạt động của những sản phẩm công nghệ này. Vậy nên khi được phóng viên đề cập đến ngài Slim đã rất thẳng thắn: “Quý cô thân mến, tôi chẳng hiểu cái gì hết”
Là chủ nợ của New York Times
Năm 2009, khi tờ nhật báo nổi tiếng này rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng, Slim đã bỏ ra khoảng 250 triệu USD để “cứu vớt”. Ông trùm truyền thông gốc Nam mỹ này hi vọng sự đầu tư của mình là đúng đắn và New York Times sẽ trở thành tờ báo tên tuổi nhất thế giới.
Theo báo cáo của Bloomberg, một nhà đầu tư của tờ nhật báo này có tên là Thomas Graham Kahn cho hay họ đã gặp nhiều “vấn đề tài chính” khi ký kết thỏa thuận này.
Người đàn ông chung thuỷ
Sau khi người vợ xinh đẹp qua đời vì căn bệnh suy thận, Carlos Slim đã không tái giá với bất kể người phụ nữ nào. Nhằm hồi tưởng lại quá khứ và cũng vì mục đích phục vụ xã hội, ông đã cho xây dựng bảo tàng Museo Soumaya ở thành phố Mexico. Bảo tàng này mang tên vợ ông và do chính người con trai thiết kế.
Ước tính, bảo tàng trưng bày hơn 66.000 tác phẩm nghệ thuật, trong đó bao gồm những kiệt tác của Monet, Van Gogh và Da Vinci. Bảo tàng được xây dựng bằng 16.000 miếng nhôm hình lục giác. Việc ra vào bảo tàng hoàn toàn tự do và miễn phí. Slim cũng cho biết thêm chính vợ ông là người đã dạy ông về những tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ.
Hoàng Bách (tổng hợp)