<div> <p>Erick Reyes (44 tuổi, sống tại Philippines) luôn sống trong nỗi mặc cảm khi nghĩ về quá khứ của mình. Cách đây 39 năm, lúc Reyes chỉ mới 5 tuổi, anh từng bị quấy rối tình dục bởi một người anh hàng xóm thân thiết.</p> <p>Một lần, Reyes mời người này đến nhà chơi. Khi thấy trong nhà không có ai, anh ta bắt đầu sờ soạng bản thân và trêu ghẹo Reyes.</p> <p>Hành động này tiếp diễn vào một ngày khác. Đến lần thứ 3, “người anh" này yêu cầu Reyes thực hiện điều tương tự với lời chỉ dẫn của hắn. Khi đó, anh còn quá nhỏ để nhận thức được những gì xảy ra với mình.</p> <p>“Tôi cảm thấy bị tổn thương và đã tự trách mình trong suốt thời gian dài. Tôi chưa từng kể với mẹ và không nói với ai vì sợ hãi. Tôi sợ họ sẽ bỏ rơi tôi”, Reyes nói với <em>Straits Times.</em></p> <p>Reyes sống trong một gia đình không hạnh phúc. Cha anh thường xuyên đi biển và chỉ về nhà 2-3 tháng một năm. Theo lời kể của Reyes, ông là một người xa cách và cộc cằn.</p> <p>“Khi ở nhà, cha cũng hiếm khi lên tiếng. Dù sao thì chúng tôi cũng không thích sự hiện diện của ông. Ông luôn to tiếng và đánh đập con cái. Vì thế, chúng tôi rất ghét cha”.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Toi so moi nguoi xa lanh neu noi ra minh tung bi lam dung anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/22/znews-photo-zadn-vn_domestic_violence_and_children.jpg" title="Tôi sợ mọi người xa lánh nếu nói ra mình từng bị lạm dụng ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Nhiều đứa trẻ bị ám ảnh tâm lý vì chứng kiến bạo lực gia đình từ nhỏ. Ảnh: <em>Help Guide.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Khi thấy đứa con nào có hành động không vừa mắt, ông liền kéo dây nịt ra khỏi thắt lưng rồi quất chúng bằng đầu khóa kim loại.</p> <p>“Tôi nhớ mình đã run lên vì cơn đau”, Reyes kể.</p> <p>Một lần, mẹ Reyes đã chạy đến để che chắn cho anh khi bị đánh quá nặng. Nhiều năm sau, khi lớn hơn, anh đã dùng cơ thể của mình để bảo vệ mẹ khỏi sự đánh đập của cha.</p> <p>Trải nghiệm tồi tệ ở thời thơ ấu về bạo lực gia đình, quấy rối đã khiến Reyes gặp khó khăn với bản dạng giới, nghiện tình dục và tự hủy hoại bản thân.</p> <p>Đó là câu chuyện tương tự với hàng triệu cậu bé ở Philippines.</p> <h3>Im lặng vì xấu hổ</h3> <p>Theo một nghiên cứu toàn quốc về bạo lực trẻ em, cứ 4 đứa trẻ ở Philippines thì có một em bị lạm dụng tình dục. Tỷ lệ ở các bé trai (28,8%) cao hơn bé gái (20%). Các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cho rằng đây chưa phải là con số thực tế.</p> <p>“Thật đáng buồn vì nạn nhân không thể xác định được liệu mình có bị lạm dụng hay không. Họ cảm thấy có điều gì đó không ổn xảy ra với mình, nhưng trong tâm trí, họ nghĩ đó là chuyện không quá to tát”, Giáo sư Zenaida Rosales, giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống và Điều trị Lạm dụng Tình dục Trẻ em, cho biết.</p> <p>Điều này xảy ra là do sự hạn chế trong việc nâng cao nhận thức các vấn đề về giới. Ngoài các môn học chính, giáo dục giới tính được rút gọn thành một chủ đề phụ của sinh học hoặc giải phẫu học.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Toi so moi nguoi xa lanh neu noi ra minh tung bi lam dung anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/22/znews-photo-zadn-vn_90212.jpg" title="Tôi sợ mọi người xa lánh nếu nói ra mình từng bị lạm dụng ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Các nạn nhân của lạm dụng tình dục sống sự mặc cảm suốt thời gian dài. Ảnh: <em>Getty.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Khi Rosales nói chuyện với một số phụ huynh về việc con trai họ bị lạm dụng. Họ tránh né và dửng dưng nói: "Đừng bận tâm, chúng là con trai. Chúng sẽ không mang thai".</p> <p>Theo Rosales quan sát, nếu các cậu bé đề cập đến vấn đề này với ai đó, chúng thường nhận được câu trả lời: “Quên chuyện đó đi” hoặc có người sẽ khuyên là “Hãy cảm thấy may mắn vì là con trai”.</p> <p>Đôi khi, những đứa trẻ này lại bị lợi dụng vì đã tin tưởng và mở lòng với một kẻ bạo hành khác.</p> <p>Rosales cho hay cảm giác xấu hổ khi nói ra và bị phản đối có thể khiến nạn nhân dằn vặt hơn. Từ những nguyên nhân trên, rất nhiều đứa trẻ bị lạm dụng cho rằng sự lựa chọn duy nhất của chúng là im lặng. “Chúng cảm thấy trở nên vô hình”.</p> <h3>Trưởng thành khó khăn</h3> <p>Đối với những bé trai từng đối mặt lạm dụng tình dục và bạo lực gia đình, chặng đường trưởng thành thường gặp rất nhiều sóng gió.</p> <p>Nạn nhân phải đấu tranh với bản dạng giới và bị nhầm lẫn về cảm xúc của họ. Họ luôn cảm thấy đơn độc, không tìm được nơi an toàn để vượt qua tình trạng hiện tại.</p> <p>Nhiều trường hợp không tìm được chỗ nương tựa từ gia đình. Một số khác còn dùng chất kích thích và thậm chí tự tử.</p> <p>“Văn hóa của chúng tôi nói rằng là con trai phải mạnh mẽ, biết bảo vệ bản thân mọi lúc. Bạn là người hùng chứ không phải để được giải cứu”, Rosales nói.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Toi so moi nguoi xa lanh neu noi ra minh tung bi lam dung anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/22/znews-photo-zadn-vn_shutterstock_785658952_large.jpg" title="Tôi sợ mọi người xa lánh nếu nói ra mình từng bị lạm dụng ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Nhiều người lo sợ nếu quá khứ bị tiết lộ, họ sẽ bị coi là người yếu đuối, nhu nhược. Ảnh: <em>CBC.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ở Philippines, các chuẩn mực, truyền thống và kỳ vọng về đấng nam nhi đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.</p> <p>"Đàn ông là trụ cột gia đình, người bảo vệ tổ ấm. Phụ nữ là người nội trợ, cần được che chở. Nam giới không cần bảo vệ, họ phải tự mình đứng vững".</p> <p>Tư tưởng này khiến mọi người bỏ qua chuyện chăm sóc các bé trai và mở rộng luật pháp để bảo vệ nhóm này.</p> <p>Chẳng hạn, hiếp dâm chỉ áp dụng đối với trẻ em gái và phụ nữ vì đây là hành vi phạm tội gắn liền với việc xâm hại tình dục. Nhưng đối với trẻ em trai và đàn ông, điều này lại được coi là tấn công tình dục. Tội phạm hiếp dâm phải chịu án tử hình nhưng tội còn lại chỉ bị phạt 6-12 năm tù.</p> <h3>Ngó lơ vấn đề</h3> <p>Giáo sư Rosales cho biết nhóm của bà đã từng xử lý trường hợp của một huấn luyện viên karate. Anh ta nói với hiệu trưởng của một trường trung học rằng mình có hàng tá giải thưởng và sẵn sàng dạy miễn phí.</p> <p>Trong nhiều tháng, hắn dạy karate cho hơn chục nam sinh. Hầu hết đều ở độ tuổi 14-15. Khi đưa các cậu bé đến khu nghỉ dưỡng bên ngoài thủ đô Manila, huấn luyện viên này gạ gẫm chúng tự chạm vào cơ thể trước mặt anh ta.</p> <p>Hắn nói với các học sinh rằng những thứ này là cần thiết để "hỗ trợ tăng lực đầu gối".</p> <p>Mọi chuyện bại lộ khi một cậu bé tham gia lớp học đặc biệt với người ủng hộ quyền trẻ em và biết được rằng việc cưỡng bức ai đó chạm vào cơ thể là sai trái.</p> <p>Nhà trường đã tiến hành điều tra và sa thải người dạy karate. Người này sau đó bị phụ huynh của các nam sinh kiện. Cuối cùng, sự việc được giải quyết bằng cách bồi thường một khoản tiền cho nạn nhân.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Toi so moi nguoi xa lanh neu noi ra minh tung bi lam dung anh 4" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/22/znews-photo-zadn-vn_bigstock_stop_child_violence_and_traffi_314553403_1024x683.jpg" title="Tôi sợ mọi người xa lánh nếu nói ra mình từng bị lạm dụng ảnh 4" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Cảm giác xấu hổ khi nói ra và bị phản đối có thể khiến nạn nhân dằn vặt hơn. Ảnh: <em>Lawyertime.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>“Nếu muốn giảm thiểu tỷ lệ trẻ em trai bị lạm dụng, chúng ta phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần nhằm xóa bỏ định kiến”, Rosales nhấn mạnh.</p> <p>Sống trong ám ảnh từ thời thơ ấu, Reyes phải tìm đến bác sĩ trị liệu để vượt qua cơn hoảng loạn. “Nó có giảm bớt nhưng liệu pháp không thực sự giải quyết được vấn đề”, Reyes chia sẻ.</p> <p>Sau một thời gian, Reyes quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để giúp đỡ những nạn nhân khác. Giống như anh, họ cũng từng phải vật lộn với việc bị lạm dụng và xa lánh. Không ít người đã tự kết liễu đời mình vì gia đình không chấp nhận họ.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>