82 tuổi, 60 năm đọc báo
Ông Nguyễn Trọng Mưu (số nhà 23, tổ 1A phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay đã 82 tuổi, nhưng có đến 60 năm đọc báo KH&ĐS. Ông kể, ông biết đến tờ báo Khoa học Thường thức từ những số đầu tiên, khi ấy ông còn đang đi học. Sau này công tác ở Tây Bắc rồi về Hà Nội làm giáo viên môn Vật lý của trường THPT Trần Phú (Hà Nội), ông vẫn giữ thói quen đọc báo. “Trước đây, Báo rất mạnh về mảng khoa học tự nhiên. Có rất nhiều bài tốt, phổ biến tất cả các vấn đề khoa học công nghệ bổ ích, phục vụ thiết thực cho việc dạy học. Tôi đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện cho học sinh bằng cách tập hợp các bài viết đăng trên Báo KH&ĐS để truyền tải tri thức. Một số nội dung khác như mẹo vặt, những bài thuốc cho người già, trẻ nhỏ… cũng rất hữu ích, được áp dụng rộng rãi”, ông Nguyễn Trọng Mưu chia sẻ.
Đọc báo từ những ngày đầu tiên, ông cũng tích trữ được rất nhiều báo cũ. Lâu lâu kiểm tra, thấy nhà không còn chỗ để chứa nữa thì ông lại đem tặng bạn bè. Ông bảo những tờ báo được ông sắp xếp thành tập, ngăn nắp, đóng quyển lại, tặng người thân, bạn bè tham khảo. Đến giờ, số báo ngày càng nhiều, ông bèn tìm cách lưu trữ khác là cắt những bài báo mình thấy hữu ích ra rồi ghim lại, hoặc đánh dấu những bài mình cần để lưu. Khi nào có người thân, bạn bè, gặp vấn đề gì về bệnh, cần tư vấn nội dung trên báo thì ông tặng họ bài báo ông đã giữ đó.
2 anh em cạnh nhà, đặt riêng 2 tờ báo
Ông Mưu kể, trước đây có tình trạng rất hay mất báo. Mình đang đọc quen rồi, tự dưng mất đi, rất hẫng hụt. Có lần ông đạp xe lên tận Bưu điện Bờ Hồ đòi báo. Họ phải trả cho ông đầy đủ hết các số để đọc. Chứ đang đọc, tự dưng không có, cảm thấy rất thiếu. Đến giờ thì báo đưa đến đã đầy đủ hơn, tuy nhiên vẫn có lúc nhân viên bưu điện sai sót, thiếu số này số kia. Ông cũng đã gọi điện phản ánh đến Báo KH&ĐS và cũng đã được trợ giúp thông tin.
Điều đặc biệt là ngay cạnh nhà ông là gia đình của em trai ông. Ông Nguyễn Trọng Kế, năm nay đã 76 tuổi, cũng đọc báo KH&ĐS đã nhiều năm. Hai gia đình, hai anh em, nhưng không đặt báo chung, mà phải đặt riêng mỗi nhà một tờ. Ông bảo, vì thời gian đọc báo khác nhau, nhu cầu tích trữ khác nhau, nên mỗi người đặt 1 tờ cho tiện. Ông thích sưu tầm bài thuốc, thích lưu trữ những thông tin khoa học, thì buộc phải đặt riêng mới cắt dán, cất đi được. Trước đây cũng có lúc hai gia đình đặt báo chung, nhưng bất tiện lắm, không thoải mái. Nên thôi, mỗi người đặt 1 tờ. Hơn nữa, chi phí để đặt báo cũng không đáng gì.
Theo ông Mưu thì hiện nay nội dung của Báo KH&ĐS khá toàn diện, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau cũng tốt. Tuy nhiên còn nhiều bài dài quá, đọc cảm thấy mệt. Nên chăng là rút ngắn đi, trình bày dễ hiểu hơn theo đúng trình tự, nguyên lý, thực hành, ứng dụng… thì bạn đọc sẽ dễ tiếp cận hơn.
Chữa khỏi bệnh nguy hiểm nhờ Báo
Câu chuyện được bà Phạm Thị Phi (số nhà 52, phố Cù Chính Lan, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ khiến những người làm Báo KH&ĐS không khỏi xúc động. Bà Phi có thâm niên đọc báo KH&ĐS đến nay đã vài chục năm. Bà kể, năm 1971 đến 1975 bà công tác ở Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình với công việc bán thời gian là trông coi thư viện nhà trường. Đó là duyên để bà được “gặp gỡ” với tờ báo. Khi đó, cậu con trai cả của bà bị viêm tai giữa, chảy mủ liên tục, điều trị kháng sinh 10 ngày mà không khỏi. Bác sĩ tư vấn phải mổ, nhưng bà biết nếu mổ lúc đó rất nguy hiểm vì mổ viêm tai giữa là phải đục xương chũm, rất gần với màng não. May mắn, bà đọc được trên báo Khoa học Thường thức (tên cũ của Báo KH&ĐS) một mẩu tư vấn nhỏ là thuốc tím pha loãng có thể làm trung hòa mủ.
“Tôi cũng học ngành y, nên tôi thử nghiệm. Sau 10 ngày điều trị mà mủ ở tai con cứ ròng ròng, tôi liền lấy thuốc tím, pha loãng ra, rồi vô khuẩn tay, lấy bông cuộn vào cái tăm và nhúng vào nước rửa cho con. Cứ rửa đến đâu thì bông đổi màu đến đấy. Chỉ sau 2 ngày là con khỏi bệnh, tai khô, không còn viêm nhiễm nữa. Trong khi con đã bị nhờn kháng sinh”, bà Phi kể
Đó là một trong những lý do để bà gắn bó với Báo KH&ĐS. Bà giữ thói quen khi đọc báo, có bài thuốc nào hay, cái gì ứng dụng được là bà cắt ra, đóng thành tập để tặng cho những người thân. Những bài thuốc chữa say tàu xe, chữa thiếu máu não, giảm huyết áp… đều được bà ghi lại. Có vấn đề gì cần giải đáp, bà lại gọi điện đến Báo để hỏi. Gần đây nhất bà đã tự chữa chảy máu chân răng theo tư vấn trên Báo KH&ĐS và đã khỏi, sau nhiều ngày đi chữa bằng đủ loại thuốc khác nhau không đỡ. Chỉ cần lấy nghệ mật ong xát vào phần chân răng chảy máu là khỏi. Thế nên, dù trong gia đình cũng đặt nhiều tờ báo khác nhau, nhưng bà bảo có thể không đặt tờ nào đó, chứ KH&ĐS thì không bao giờ bỏ.