Như cây xương rồng trên sa mạc

Nhìn bà Trịnh Thị Thanh Xuân (65 tuổi, ở số 4 Bát Sứ, Hà Nội) trong đội múa, biểu diễn thái cực quyền hay trong các buổi tế của hội dâng hương cố đô Thăng Long, tươi trẻ và vui vẻ đến thế, không ai nghĩ bà đã vượt qua những khó khăn đến thế nào trong cuộc đời.

Bà Trịnh Thị Thanh Xuân (bên phải)

Phải biết sắp xếp thời gian

Căn phòng nhỏ chừng hơn chục mét vuông trên phố Bát Sứ của bà Xuân được sắp đặt rất gọn gàng. Chỗ này là thùng to đựng gạo (bà Xuân kinh doanh gạo Điện Biên), chỗ kia là những túi đựng đồ tập (bà tham gia rất nhiều CLB từ hát quan họ, CLB thơ, CLB sức khỏe ngoài trời, múa, hội dâng hương…Mỗi CLB lại một loại trang phục khác nhau), một cái bàn gỗ nhỏ với mấy cái ghế vừa làm nơi tiếp khách vừa là bàn ăn, một cái giường với cô con gái thứ hai bị bệnh nằm một chỗ.

Vừa trò chuyện, bà vừa cho con ăn, phải đút từng thìa như cho trẻ con ăn vậy. Con gái bà năm nay 40 tuổi, lúc bé bị bệnh nên chậm phát triển, trước còn đi lại được, nhưng chừng 10 năm nay phải nằm một chỗ. Mẹ phải chăm sóc như với trẻ sơ sinh, tối nào cũng phải dậy thay tã, thay bỉm cho con. Nhà có người ốm lâu ngày, nhưng rất sạch sẽ.

Nhìn bà chăm con, tôi cứ thắc mắc không biết bà lấy đâu ra sức lực và thời gian để tham gia nhiều hoạt động như vậy. Nhưng bà bảo, nếu không hoạt động,  không biết cách sống vui sống khỏe, cứ ru rú ở nhà thì có khi bị bệnh thần kinh mất.

Vấn đề là phải biết sắp xếp thời gian. Sáng đi tập ở CLB sức khỏe ngoài trời rồi về chợ búa, cơm nước, nấu cháo, cho con ăn. Con ăn xong lại ngủ, thì bà mới lại đi được.

Thời gian biểu của bà chi tiết đến từng giờ, giờ nào cho con ăn, giờ nào nấu cơm cho cháu về ăn, giờ nào tham gia hoạt động, là cứ đúng như thế mà làm. Có những khi CLB đi biểu diễn ở xa, bà lại nhờ con gái đến trông em. Chăm con mình đã vất vả thế rồi, vậy mà khi con gái hay con dâu sinh, vẫn một tay bà chăm sóc lần lượt cho cả 4 đứa cháu.

Nghị lực và tình thương

Với bà Xuân, giai đoạn khó khăn nhất là khi từ Điện Biên chuyển về Hà Nội, không được dạy học tiếp, phải chuyển ngành vào làm trong nhà máy gỗ, chồng lại bỏ đi, một mình nuôi 3 con nhỏ, trong đó một đứa lại ốm đau. Cứ nghĩ mình mà gục ngã thì các con biết dựa vào ai nên bà phải tự vươn lên.

Chỉ có nghị lực mới giúp bà đứng vững. Bà như cây xương rồng trên sa mạc, khó khăn, cực khổ đến đâu vẫn vươn lên để sống, để làm chỗ dựa cho các con. Còn khổ thì từ bé bà đã chịu khổ rồi, 8 tuổi đã phải một mình lên rừng phát nương làm rẫy, rồi trông nom các em. Lớn lên đi dạy học ở miền núi cao, phải đi bộ, đi ngựa, hay có lúc vừa trông hai đứa con, đứa lớn 3 tuổi, đứa bé mới được mấy tháng, vừa dạy hai lớp ghép.

Có lẽ chính cuộc đời vất vả từ bé như thế nên bà rất cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn. Nhà cửa chật hẹp, nhưng họ hàng ở quê ra chữa bệnh, các cháu lên học nghề… bà đều đưa về ở. Giờ có cháu thành đạt, vẫn nhớ tới bà. Với bà đó là những niềm vui nho nhỏ.

Ngoài nghị lực, chỉ có tình thương của người mẹ mới giúp bà vượt qua biết bao nỗi vất vả đằng đẵng từng ấy năm. Bà kể, thương lắm, có lúc cứ ôm con vào lòng như đứa trẻ, rồi hát những bài hát ru bằng tiếng Thái là nó thích lắm.

Ngoài tham gia các CLB, một hoạt động mà bà Xuân rất tâm đắc đó là hội dâng hương cố đô Thăng Long mà bà làm hội trưởng, chủ tế. Vào những ngày giỗ của các vị anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Lê Lợi…là lại tổ chức lễ dâng hương. Không chỉ làm theo hướng dẫn của các vị cao tuổi, bà Xuân còn tìm hiểu, nghiên cứu cách thức viết sớ, viết văn tế và các điệu múa nhằm khôi phục lại một nét văn hóa cổ của dân tộc.

Trên tường nhà bà Xuân có treo một bức tranh ghi những lời mà bà rất tâm đắc và coi như lẽ sống của mình. Trong đó có câu:

Sống không giận, không hờn, không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai…

Tuệ Minh

Theo Đời sống
back to top