Nhớ lại một năm đỉnh dịch Covid-19 ở TPHCM: “Oằn mình"... vượt bão

Dịch bệnh bùng phát không phải là chuyện hiếm lạ đối với bản thân tôi cũng như nhiều phóng viên theo dõi mảng y tế - sức khỏe. Nhưng Covid-19 không giống với bất cứ tin tức y tế nào chúng tôi đã đưa tin trước đây.

Gần 30 tháng cách ly, giãn cách

Lần đầu tiên tôi nghe thông tin về một “căn bệnh viêm phổi bí ẩn” đang lan rộng ở Vũ Hán, Trung Quốc là vào tháng 1/2020. Rồi đến khoảng 8h tối 22/1/2020 (28 tết Canh Tý), khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 cha con bệnh nhân người Trung Quốc với triệu chứng sốt, ho, khó thở do SARS-CoV-2.

pv-covid-2.jpg
Những ngày thành phố bị cơn bão Covid-19 "tàn phá".

Tôi đã nghĩ mình sẽ viết 1 hoặc 2 câu chuyện về SARS-CoV-2, về  Covid-19 như đã từng đưa tin về cúm A/H5N1 hay SARS và lại thoải mái đến nhiều bệnh viện để đưa các tin tức y tế quan trọng khác.

Nhưng lần này hoàn toàn khác...

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, ngày 26/5/2021, bệnh nhân đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện. Chuỗi lây nhiễm với hơn 500 ca mắc Covid-19 được xác định trong cộng đồng.

0h00 ngày 31/5/2021: TPHCM bắt đầu chuỗi ngày giãn cách, ngưng mọi hoạt động, sinh hoạt cộng đồng và... làm việc tại nhà.

"Thành phố của tôi" trở thành "tâm dịch" lớn nhất cả nước. Số ca mắc lần lượt nhảy lên 2... lên 3 con số và từ đầu tháng 7/2021 luôn ở 4 con số với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Nhiều chuỗi lây nhiễm khác bắt đầu xuất hiện. Các chuỗi lây nhiễm này lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ca liên quan.

pv-covid-4.jpg
TPHCM trở thành "tâm dịch" Covid-19 lớn nhất cả nước.

Từ đầu tháng 7/2021 đến 9/2021, TPHCM đã thành lập thêm 16 bệnh viện dã chiến với quy mô hơn 37.000 giường, chưa kể các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc bệnh viện tuyến quận/huyện đều trở thành bệnh viện điều trị Covid-19. Hàng chục nghìn người đã được huy động từ tất cả các tỉnh, thành vào tiếp sức cho TPHCM.

Đây là một căn bệnh quá mới, quá khủng khiếp...

Trong giai đoạn đầu tiên của đợt dịch thứ 4, TPHCM không có thuốc điều trị. Trong khi văcxin ngừa Covid-19 mới chỉ được ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Khi dịch bệnh vào cao điểm, những cụm từ như phong tỏa, giãn cách, tuyến đầu chống dịch, hệ thống y tế quá tải, F0, bệnh viện dã chiến, máy thở oxy, ca mắc mới, tử vong… đã trở thành "hot trend" mỗi ngày.

Điều trị bệnh cực thì có cực, nhưng các bác sĩ đều cố gắng làm với hết tâm - hết sức. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mổ một ngày 14 tiếng là chuyện hoàn toàn bình thường.

Nhưng đối phó với những tin đồn “tào lao” mới cực khổ. Khi hoang tin... “33 ca tử vong ở Bệnh viện Chợ Rẫy”, các bác sĩ tại đây áp lực đến mức không chỉ hàng trăm cuộc điện thoại của phóng viên gọi để xác minh hư thực, tất cả bà con, bạn bè, thậm chí từ nước ngoài… cũng gọi về.

Tất cả mọi thứ trở thành áp lực khủng khiếp. Tôi phải làm công văn gửi Bộ Công an và Cảnh sát Điều tra TPHCM về tin thêu dệt nói trên. Cuối cùng, công an phạt một cô gái ở Cần Thơ. Cô gái này đọc được thông tin trên một facebook của ai đó ở nước ngoài, rồi chia sẻ lại.

TTƯT.TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức
(Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy)

Quay xung quanh con virus... "nhỏ bé" - "vô hình"

Cuộc đời phóng viên của tôi trong 5 tháng ấy hầu như chỉ tập trung đưa tin virus corona đang ảnh hưởng tới xã hội như thế nào?!.

Tôi đã phỏng vấn những người vợ mất chồng, con mất cha, chồng trẻ mất vợ khi cô đi sinh con...

pv-covid-5.jpg

Thêm vào đó, tôi phỏng vấn rất nhiều bác sĩ về các thông tin xung quanh... "con Covid-19" như: Khả năng lây nhiễm, cách phòng ngừa, văcxin, thuốc điều trị, các nhà khoa học về những sáng kiến phòng ngừa lây nhiễm… Rồi không thiếu cả những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của y - bác sĩ nơi tuyến đầu.

Tôi đã từng hỏi các bác sĩ trẻ “đã, đang và sẽ tham gia hoạt động chống dịch Covid-19" rằng họ có sợ không???

Nhiều người trả lời: “Sợ - nhưng đi vẫn đi, bởi vì lúc này xã hội đang cần chúng tôi nhất”.

Có cô bác sĩ còn giao con nhỏ 6 tháng tuổi cho ông, bà chăm sóc để vào “đóng đô” trong bệnh viện.

Một nữ điều dưỡng trẻ còn làm đám cưới online trong mùa dịch, với đám cưới nhỏ chỉ vỏn vẹn có... 3 người.

Tôi còn bắt gặp hình ảnh những người bác sĩ, điều dưỡng mướt mồ hôi, mệt lả trong những bộ quần áo bảo hộ khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

...

Một buổi sáng đầu tuần, tôi ngồi chờ bên ngoài phòng họp giao ban của khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Thời gian chờ chắc chỉ chừng dăm mười phút thôi, ấy vậy mà mồ hôi đã tuôn ra ướt lưng áo, tôi cảm thấy ngột ngạt với chiếc khẩu trang 4 lớp.

BS.CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, cười xòa khi thấy tôi vừa loay hoay kiếm khăn giấy lau mồ hôi, vừa thở phào khi được anh tiếp trong căn phòng máy lạnh.

pv-covid-7.jpg
Phóng viên tác nghiệp thời dịch bệnh Covid-19.

“Tí nữa em thử mặc áo phòng hộ của khoa anh đi. Trải nghiệm cho biết”, BS Phong đề nghị.

Tôi vội lắc đầu. Đừng đùa!!! Tôi mà mặc vào khéo các anh phải cấp cứu... "ngay và luôn" một bệnh nhân vì ngạt thở.

Những điều không thể quên

Khoảng 19h tối ngày đầu tháng 9/2021.

Một người bạn gọi cho tôi vì người thân nhập viện và tử vong vì Covid-19 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhưng không thể biết tình hình hiện như thế nào.

Có lẽ bạn nghĩ tôi là phóng viên mảng y tế nên có những mối quan hệ nhất định với các bệnh viện thì sẽ dễ tìm hơn.

1h00 sáng.

Tôi nhận được tin nhắn từ phía bệnh viện. Thật sự đó cũng không phải là tin nhắn mà là hình ảnh một phiếu chuyển nhà tang lễ. Bệnh nhân đã mất và được khâm liệm vào ngày 27/8/2021.

pv-covid-6.jpg
Hình ảnh khó quên trong mỗi chúng ta như một ký ức... "hào hùng".

Tôi còn nhớ, vào thời điểm bắt đầu của những tháng ngày giãn cách, số ca dương tính ở TPHCM chỉ chừng 30 ca mới/ngày.

Cho đến sáng ngày 2/6/2021, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM lúc ấy, cho biết: TPHCM có ca tử vong đầu tiên của đợt dịch thứ 4. Đó là con gái của bà chủ bán bánh canh “O Thanh” ở quận 3.

Số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng chóng mặt.

5 tháng, Việt Nam có trên 23.400 người tử vong vì Covid-19, riêng TPHCM hơn 17.000 người đã ra đi. Bản thân tôi cũng không thể đi đâu ra khỏi nhà hay di chuyển khỏi thành phố. Ông bà ngoại và mẹ cùng gia đình em gái ở Nha Trang. Trong tháng 6 và tháng 7, ông bà theo nhau qua đời. Tôi vạn bất đắc dĩ "không thể" thu xếp về đưa tang được.

pv-covid-3.jpg
Khi dịch bệnh Covid-19 vào cao điểm, những cụm từ như phong tỏa, giãn cách, tuyến đầu chống dịch, hệ thống y tế quá tải, F0, bệnh viện dã chiến, máy thở oxy, ca mắc mới, tử vong,… đã gây ám ảnh mỗi ngày.

Số liệu cập nhật đến tháng 2/2022, TPHCM có hơn 2.200 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó 39 em mất cả cha - mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng và trên 2.000 em mất cha hoặc mất mẹ.

Ngày 25/8/2021, Trung tâm H.O.P.E của Bệnh viện Hùng Vương ra đời với mục đích hỗ trợ các bé có mẹ mắc Covid-19 trong giai đoạn chưa có gia đình đón về.

Vào thời điểm đó, Bệnh viện Hùng Vương đang chăm sóc 130 trẻ có mẹ mắc Covid-19, với hơn 50 bé có đủ điều kiện xuất viện, nhưng chưa có người thân đến đón.

Thậm chí, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, có trẻ gần đầy tháng nhưng vẫn chưa được về với vòng tay yêu thương của gia đình.

Tôi còn biết đến BS Trần Văn Dương những ngày dịch bệnh anh đã đóng cửa phòng khám và chạy xe cứu thương để hỗ trợ bệnh nhân F0.

pv-covid.jpg
Vào những ngày tháng dịch bệnh hoành hành, cuộc sống gần như "biệt lập" với môi trường xung quanh. 

Khi số ca nhiễm tại TPHCM tăng vọt, các số đường dây nóng hỗ trợ và xe y tế chở bệnh nhân đều quá tải, BS Dương gửi công văn sang Sở Y tế, Trung tâm Y tế đề nghị tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, tham gia khám miễn phí cho cư dân trong vùng phong tỏa, cách ly, các trường hợp cấp cứu; và phối hợp với trung tâm y tế địa phương để chở bệnh nhân đến bệnh viện.

Rồi hình ảnh những người lính trẻ măng tham gia phòng chống dịch, đi chợ hộ cho dân. Họ đi vào từng hẻm, đưa tận tay người dân những túi thức ăn, vật phẩm sinh hoạt hằng ngày.

Tôi còn bắt gặp hình ảnh của những cây ATM gạo hay ATM oxy.

Cây ATM gạo công nghệ cao bắt đầu chạy máy phát gạo từ ngày 13/7/2021, tại 12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình (TPHCM), mỗi máy phát từ 1,5 - 3 tấn/ngày.

Căn bệnh còn mới quá, lạ quá, nhiều thông tin quá, lây lan quá và chết chóc cũng nhiều quá... Người nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh đều rất hoang mang, lo sợ.

Đồng hành cùng các thầy thuốc, mỗi phóng viên trong mảng y tế hy vọng góp những bài viết "cỏn con" giúp công chúng hiểu biết hơn, chia sẻ - trấn an, ổn định tinh thần để cùng nắm tay nhau vượt qua giông bão.

Trong cuộc chiến đấu với bệnh Covid-19, nhân viên y tế chống dịch bằng chuyên môn đã khám và chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.

Còn đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã chống dịch bằng ngòi bút, tuyên truyền đến từng người dân tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch, bảo vệ mạng sống chính mình và an toàn cho người xung quanh.

Lực lượng phóng viên, biên tập viên trên địa bàn thành phố thực sự là một "binh chủng" quan trọng trong cuộc chiến phòng - chống đại dịch Covid-19.

BSCKII Võ Đức Chiến
(Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)

Theo Đời sống
back to top