Các nhà chức trách ở hàng loạt quốc gia, từ Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, đến Australia và Israel, đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta.
Biến chủng Delta lan rộng
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Hiện có nhiều mối lo ngại về biến chủng Delta. Delta là biến chủng dễ lây lan nhất trong số các biến chủng được xác định cho đến nay. Nó đã được xác định ở ít nhất 85 quốc gia và đang lan truyền nhanh chóng trong các khu vực chưa được tiêm chủng".
Tại Bangladesh, lệnh phong tỏa toàn quốc mới bắt đầu có hiệu lực vào ngày 28/6. Các văn phòng phải đóng cửa trong vòng một tuần và chỉ cho phép vận chuyển liên quan đến y tế. Theo BBC, ngay trước thềm lệnh phong tỏa, hàng chục nghìn người đã tháo chạy khỏi thủ đô Dhaka. Hiện Bangladesh ghi nhận 883.138 ca nhiễm và 14.053 ca tử vong vì Covid-19.
Trước làn sóng dịch Covid-19 mới nhất, giới chức Thái Lan đã công bố thêm biện pháp hạn chế đối với thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Từ ngày 28/6, nhà hàng ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận phải tạm dừng hoạt động trong vòng một tháng. Các trung tâm mua sắm phải đóng cửa trước 22h và người dân không được phép tụ tập quá 20 người. Từ khi đại dịch bắt đầu, nước này có tổng cộng 244.447 ca mắc và khoảng 1.900 ca tử vong.
Một bệnh nhân Covid-19 trong lều cấp cứu tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, thành phố lớn nhất của Australia là Sydney đã bắt đầu đợt phong tỏa kéo dài hai tuần. Người dân được lệnh ở nhà, và chỉ được di chuyển trong trường hợp cấp thiết. Khoảng 5 triệu người Sydney cùng hàng trăm nghìn người ở các thị trấn lân cận chịu hảnh hưởng từ các hạn chế này.
Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi một số khu vực ở Sydney ghi nhận sự gia tăng đột biến của ca nhiễm biến chúng Delta kể từ khi trường hợp đầu tiên trong đợt dịch bùng phát mới hơn một tuần qua được phát hiện tại khu vực bãi biển Bondi vào ngày 16/6.
Trường hợp này được xác nhận là một tài xế xe limousine chở phi hành đoàn hàng không từ nước ngoài.
Tổng số ca mắc biến chủng Delta liên quan đến ổ dịch Bondi nằm ở phía Đông của thành phố Sydney đã lên đến 110 trường hợp.
New Zealand đã thông báo tạm dừng ba ngày đối với việc đi lại không cần cách ly với Australia.
Bộ trưởng Ứng phó Covid-19 của Australia Chris Hipkins cho biết việc tạm dừng sẽ giúp các quan chức có thời gian để xem xét các biện pháp đảm bảo an toàn hơn, chẳng hạn như xét nghiệm trước khi khởi hành cho tất cả chuyến bay giữa hai nước.
Gây xáo trộn kịch bản mở cửa của nhiều nước
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết đất nước đang phải đối mặt với một “tình huống bất thường” và cam kết sẽ đưa ra “các chính sách nhanh chóng và phù hợp” để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay. Cả nước đã ghi nhận hơn 21.000 ca nhiễm mới vào ngày 26/6, con số cao nhất hàng ngày cho đến nay. Tới nay, tổng số người mắc bệnh ở Indonesia lên tới 2.115.304, trong đó 57.138 người đã qua đời vì virus corona.
Con số này được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế bởi năng lực xét nghiệm còn hạn chế của Indonesia, AFP nhận định.
Israel, một trong các quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thành công nhất thế giới, vừa tái áp đặt các quy định đeo khẩu trang ở không gian kín nơi công cộng hôm 25/6. Biện pháp này được công bố 4 ngày sau khi Israel ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.
Tại Nga, Saint Petersburg ngày 26/6 đã ghi nhận 107 trường hợp tử vong - số người chết vì Covid-19 theo ngày cao nhất của đất nước đối với một thành phố.
Các nhà chức trách ở Saint Petersburg đã thắt chặt các hạn chế về Covid-19 vào tuần trước nhăm kìm hãm sự gia tăng các ca nhiễm mới, bao gồm đóng cửa khu ăn uống trong các trung tâm mua sắm của thành phố và khu vực dành cho người hâm mộ Euro 2020.
Trong vòng 24 giờ qua, Vương quốc Anh ghi nhận thêm 18.270 ca mắc Covid-19 mới và 23 trường hợp tử vong. Số ca mắc Covid-19 mới, chủ yếu do biến củng Delta gây ra, tăng đột biến trong vài tuần gần đây đã khiến Anh buộc phải dời lại kế hoạch mở cửa của mình thêm 4 tuần. Ngày được ấn định mở cửa trước khi bị hoãn là ngày 21/6.
Một gia đình bước qua bức tranh tường cổ động tiêm vaccine Covid-19 ở Duduza, phía đông Johannesburg, Nam Phi hồi đầu tháng 6. Ảnh: AP. |
Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại châu Phi. Các nhà khoa học cho biết ngày 26/6 rằng biến chủng Delta là nguyên nhân chủ yếu. Trong ngày 27/6, nước này ghi nhận thêm 18.762 ca nhiễm mới và 215 ca tử vong. Sự gia tăng nhanh chóng số ca bệnh buộc nước này phải xem xét các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết tất cả các cuộc tụ tập, trong nhà và ngoài trời, sẽ bị cấm trong 14 ngày. Ăn uống tại nhà hàng hoặc di chuyển từ các khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng đều không được phép. Nước này sẽ áp dụng thêm các lệnh giới nghiêm và đóng cửa trường học sớm.