<div> <p>Ngày 29/6, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 6 và quý II năm 2020 của UBND thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đá lát vỉa hè trên địa bàn thành phố có nhiều chủng loại khác nhau nên cường độ nén uốn cũng khác nhau. Hiện nay, nhiều quận huyện trên địa bàn sử dụng đá lát vỉa hè có cường độ nén uốn chỉ bằng 1/3 so với quy chuẩn và yêu cầu.</p> <p>Bên cạnh đó, về độ đồng chất của vật liệu đá, một số khu vực mỏ vẫn sử dụng phương pháp khai thác bằng nổ mìn, đá khai thác bị “om”, chất lượng không đồng nhất nên dễ bị nứt gãy. Do đó, trong quá trình chuẩn bị vật liệu đá, các địa phương cần hết sức lưu ý đến nguồn gốc, cường độ nén uốn và độ dày của đá.</p> <p>“Trong trường hợp cường độ nén uốn thấp thì phải tăng chiều dày của đá để bảo đảm yêu cầu chịu lực và bảo đảm tính đồng chất của vật liệu”, ông Phong nói.</p> <p>Lãnh đạo Sở cũng lưu ý các địa phương triển khai thi công lát đá vỉa hè cần tuân thủ nghiêm quy trình ba bước. Trong đó, sau khi bóc kết cấu cũ cần sắp xếp lại toàn bộ đường dây, đường ống, hệ thống hạ tầng phía dưới vỉa hè, đồng thời bảo đảm độ nén chặt của nền đất. Sau đó, việc đổ bê tông cần bảo đảm yêu cầu về độ dốc, để nghiệm thu xong mới thực hiện lát đá. Sau khi lát đá xong thì phải bảo đảm các lối lên xuống, bó vỉa, tạo cảnh quan vỉa hè.</p> <p>Mới đây nhất, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành lát đá tự nhiên trên vỉa hè Hồ Gươm. Loại đá được lựa chọn để lát vỉa hè quanh bờ hồ Hoàn Kiếm là đá tự nhiên được khai thác từ các mỏ đá tại Bình Định và Phú Yên. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, loại đá này có độ bền và tính thẩm mỹ cao, bề mặt đá lát vỉa hè để nhám, đảm bảo độ cứng, chống trơn trượt. Các loại đá này cũng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng các đơn vị chuyên môn đánh giá cao.</p> <p>Trước đó, nhiều quận huyện lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, nhiều bề mặt đá bị vỡ, gồ ghề khiến mất mỹ quan, cản trở lưu thông.</p> <p> </p> </div> <p> </p>