Chức danh chuyên môn thì cần bổ nhiệm theo thông lệ quốc tế
Năm 2019, là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.
Quyết định này với những tiêu chuẩn và điều kiện mới được cho là có nhiều điểm tích cực.
Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn một số điểm khiến dư luận băn khoăn, đặc biệt là về hội đồng chức danh giáo sư. Câu hỏi đặt ra là, liệu có cơ chế nào giám sát sự công tâm, minh bạch của hội đồng giáo sư, đặc biệt là hội đồng giáo sư cơ sở, khi có những trường hợp theo dư luận là đủ các tiêu chí về mặt chuyên môn, nhưng vẫn bị hội đồng “đánh trượt”?
Ngoài ra, thành phần hội đồng không phải là những người cùng ngành thì sự đánh giá liệu có chính xác?
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, TS Lê Văn Út, Thành viên hội đồng trường và đồng thời là Trưởng phòng Quản lý và phát triển khoa học công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Tôi thấy đây là vấn đề nhiều người quan tâm. Theo tôi, cần phải tách bạch ra hai vấn đề. Thứ nhất phải xem xét giáo sư là chức danh chuyên môn hay loại hình nào khác.
Nếu đúng là chức danh chuyên môn thì ta phải bổ nhiệm theo đúng thông lệ quốc tế, chứ không theo kiểu lập lờ giữa chức vụ chuyên môn và theo kiểu phiếu tín nhiệm như hiện nay.
TS Lê Văn Út, Thành viên hội đồng trường, Trưởng phòng Quản lý và phát triển khoa học công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng |
Theo thông lệ quốc tế, tiêu chí để xét ứng viên là các công bố quốc tế ISI/Scopus. Hội đồng giáo sư phải bao gồm các thành viên cùng chuyên ngành ứng viên. Chúng ta không thể nào để cho các thành viên không cùng chuyên môn với ứng viên lại đi đánh giá, xem xét ứng viên. Như vậy là không khoa học”.
Theo ông Út, ở nước ngoài, nếu như khoa hay bộ môn muốn tuyển dụng giáo sư thì họ tập hợp một hội đồng gồm các nhà khoa học trong lĩnh vực đó. Có thể có đại diện quản lý từ cấp khoa, nhưng thường họ sẽ lấy cả ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Không hề có chuyện người không thuộc chuyên ngành lại đánh giá nhau.
Đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng vậy, nhờ cơ chế tự chủ ĐH cho phép tuyển dụng bổ nhiệm chuyên gia, Trường tự xây dựng các tiêu chuẩn riêng để bổ nhiệm chức danh chuyên môn, trong đó có các chuyên gia nước ngoài theo đúng thông lệ quốc tế.
Hồ sơ ứng viên nộp vào ĐH Tôn Đức Thắng sẽ được gửi cho các chuyên gia cùng chuyên ngành trên thế giới thẩm định. Sau đó, hội đồng trường sẽ xem xét ý kiến của các chuyên gia đó.
Cụ thể, ứng viên phải qua 3 vòng: Sơ tuyển theo chuẩn thẩm định của nhà trường, phản biện quốc tế, phỏng vấn.
Hội đồng phỏng vấn có 5 chuyên gia, trong đó, 4 giáo sư nước ngoài thuộc các trường ĐH chủ yếu top 500 thế giới, còn 1 giáo sư của ĐH Tôn Đức Thắng. Tất cả hoạt động của hội đồng được quay video lưu và giám sát bởi 2 quan sát viên của hiệu trưởng.
Cho nên, các ứng viên dù kết quả thế nào cũng đều rất hài lòng, không hề có chuyện kiện cáo.
“Hiện chúng ta có nhiều hội đồng từ cơ sở, ngành, nhà nước và đều có quyền quyết định được hay không được đối với các ứng viên thì tôi thấy cồng kềnh và vì không cùng ngành, nên quyết định sẽ khó đảm bảo tiêu chí khoa học và sẽ cảm tính. Tôi cho rằng đây là điều cần thay đổi”, TS Lê Văn Út nêu quan điểm.
Cần xóa bỏ cơ chế xin cho
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, trong việc bổ nhiệm giáo sư, cần xóa bỏ cơ chế xin cho. Xóa bỏ được cơ chế xin cho, thì sẽ xóa đi được những cái không công tâm, tiêu cực.
“Muốn xóa bỏ cơ chế xin cho, thì tốt nhất như nhiều quốc gia người ta làm là gắn chức danh giáo sư như với danh hiệu của trường đó, giao việc bổ nhiệm cho trường đại học. Như vậy, nhà trường sẽ phải thận trọng trong việc bổ nhiệm, vì nếu bổ nhiệm người không xứng đáng thì sẽ làm mất uy tín trường.
Theo tôi, những nhà quản lý giáo dục của chúng ta nên dũng cảm xóa cơ chế ấy, quay trở về cơ chế đích thực là để trường bổ nhiệm chức danh GS, PGS”, ông Khuyến nói.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học. |
Đồng quan điểm với TS Lê Văn Út, TS Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, các thành viên trong hội đồng chức danh giáo sư cũng phải là những người cùng ngành với ứng viên.
“Không cùng ngành, chỉ dựa vào hồ sơ thì làm sao mà đánh giá chính xác, khoa học được. Tôi lấy ví dụ, tôi thuộc ngành vật lý, thì riêng vật lý cũng có năm bảy loại khác nhau. Vật lý địa cầu làm sao đánh giá được về chuyên môn của vật lý chất rắn. Đấy là trong cùng một ngành vật lý còn thế. Vậy mà trong hội đồng lại gồm nhiều thành viên thuộc các ngành khác nhau thì rõ ràng là không ổn, đánh giá sẽ chỉ mang tính hình thức”.
Đặc biệt, TS Lê Viết Khuyến cho rằng chức danh giáo sư hay phó giáo sư chỉ nên dành cho những người nghiên cứu và trực tiếp giảng dạy, có biên chế cụ thể tại trường. Người làm công tác quản lý, hoạt động trong doanh nghiệp, không có công trình nghiên cứu thì tuyệt đối không nên sử dụng chức danh giáo sư.
“Ngay bản thân tôi khi còn làm ở Bộ GD&ĐT, có nhiều người làm chức danh GS, nhưng tôi không làm. Tôi nhớ một lần Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh về làm việc với Bộ, ông nói với chúng tôi rằng, chức danh GS, PGS là dành cho các trường, các viện nghiên cứu khoa học, các đồng chí làm quản lý thì nhận chức danh đó làm gì.
Các đồng chí có tham gia hoạt động giảng dạy, có nghiên cứu khoa học thường xuyên hay không? Công việc các đồng chí làm quản lý cơ mà! Tôi thấy ông nói rất đúng. Nhiều người, tôi có cảm giác lấy chức danh GS, PGS chỉ vì hư danh”, ông Khuyến chia sẻ.
“Tôi cho rằng, xét GS, PGS quan trọng nhất vẫn là tiêu chí về mặt chuyên môn, còn ngoài ra, về mặt bằng chung cũng chỉ cần đáp ứng ở mức tối thiểu. Đối với các thành viên bỏ phiếu không đồng ý, thì cũng cần nêu rõ lý do vì sao lại không đồng ý. Bởi khoa học là định lượng, không thể cảm tính được. Mà định lượng ở đây đã có quy định rồi, là các công bố quốc tế, được cộng đồng đánh giá có giá trị”, TS Lê Viết Khuyến.