Những sai lầm thường gặp
TS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương cho biết, nhiều người cho rằng ăn càng nhiều sữa chua càng tốt nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự bài tiết các chất dung môi trong dạ dày, làm giảm cảm giác thèm ăn. Đặc biệt nếu thường xuyên ăn quá nhiều sữa chua sẽ bị lạnh bụng, thậm chí rối loạn tiêu hóa.
Ảnh minh họa.
Sữa chua tốt cho sức khỏe nhưng trong các trường hợp bạn bị tiêu chảy, tiểu đường và trẻ em dưới 1 tuổi thì không nên ăn sữa chua. Một số người kết hợp sữa chua với xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm đông lạnh chế biến từ thịt, thuốc kháng sinh… có thể gây táo bón, các bệnh về dạ dày và nặng nhất có thể gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, trụy tim mạch. Trong thịt chứa nhiều quặng ni-to-rat kali, kết hợp với sữa chua có thể gây ra ung thư.
Ngoài ra, không ăn sữa chua khi đói, bụng trống rỗng, độ axit trong dạ dày lớn sẽ giết chết hầu hết các lợi khuẩn trong sữa, thậm chí có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau dạ dày. Dùng sữa chua tráng miệng ngay sau bữa ăn cũng là thói quen rất không tốt. Sau khi ăn, dịch vị đang được tiết ra nhiều để tiêu hóa, nếu dùng sữa chua sẽ mất hết lợi khuẩn, thậm chí sữa chua kết hợp với thức ăn sinh nhiều chất có hại cho sức khỏe.
Cũng theo TS Nghiêm Nguyệt Thu, hiện nay trên thị trường có nhiều các loại nước sữa chua, nhiều người nhầm tưởng cũng giống như sữa chua nhưng hoàn toàn khác. Nước sữa chua cũng giống như các sản phẩm nước giải khát, hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn nhiều trong sữa chua vì bị pha loãng. Thêm vào đó, thành phần canxi và lợi khuẩn trong nước sữa chua rất thấp, thậm chí nhiều sản phẩm không có. Một số người sợ sữa chua lạnh, ngâm hộp sữa vào nước nóng trước khi dùng sẽ làm cho vi khuẩn có lợi nhất trong sữa chua bị tiêu diệt.
Ăn đúng cách
Theo BS CKI Đỗ Thị Tuyết, Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế Hà Nội, sữa chua có thành phần vi sinh hữu ích giúp cạnh tranh với vi sinh độc hại trong đường ruột. Nghiên cứu cho thấy, dùng sữa chua có vi sinh, khả năng truy lùng bệnh nguyên của bạch cầu và thực bào trong cơ thể được cải thiện rõ rệt. Thành phần vi sinh hữu ích trong khung ruột rất mong manh, dễ thất thoát nếu dùng thuốc kháng sinh lâu ngày. Vì vậy, muốn sữa chua có hiệu quả thì phải dùng một lượng rất lớn để một phần vi sinh sống sót tồn tại sau khi lội qua nước dịch của dạ dày và phải dùng tối thiểu 4 tuần liên tục mới có thể cải thiện trình trạng ruột. Nếu dùng ngẫu hứng, thi thoảng mới ăn thì không có hiệu quả.
Cho trẻ ăn sữa sau bữa ăn 1-2h.
BS CKI Đỗ Thị Tuyết cũng cho hay, nhiều người lầm tưởng sữa chua càng chua là nhiều lợi khuẩn lên men, tốt hơn sữa ngọt. Đó chỉ là sự khác biệt khẩu vị, lượng đường trong sữa do nhà sản xuất chế biến. Để tìm được loại sữa chua tốt, thích hợp với cơ thể mỗi người cần dùng thử đều đặn một tuần, nếu cơ thể không sôi bụng, đi ngoài đều đặn mỗi sáng, phân tốt thành khuôn là phù hợp. Sữa chua ăn tốt nhất vào lúc sau bữa cơm cách 1-2 tiếng, bởi vì lúc này dịch dạ dày đã bị loãng, độ kiềm axit trong dạ dày rất thích hợp cho vi khuẩn có lợi phát triển. Ngoài ra, buổi tối ăn sữa chua sẽ nhiều lợi ích hơn vì từ buổi tối đến nửa đêm là thời điểm hàm lượng canxi của cơ thể thấp nhất, có lợi cho sự hấp thu canxi trong thực phẩm. Không dùng sữa chua gần với thời điểm thuốc kháng sinh vì sẽ tiêu diệt hết lợi khuẩn. Trường hợp trẻ dùng thuốc kháng sinh nhiều ngày thì sữa chua, cho dù có ăn mỗi ngày mấy hũ cũng không đủ để phục hồi khung ruột vì bệnh nhi thường cần không dưới 10 tỉ vi sinh loại Lactobacillus hay Bifido mỗi ngày. Trong trường hợp này nên dùng thuốc có men vi sinh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu dùng chung với sữa chua càng tốt.
Đức Vinh