Nhiều người cao tuổi sống kham khổ

Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam, đa phần người cao tuổi ở Việt Nam chưa có thói quen tích lũy để chuẩn bị cho tuổi già, có bao nhiều tiền của là đầu tư hết cho con cháu. Vì thế, ở tuổi nghỉ hưu, nhiều người cao tuổi phải sống trong điều kiện thiếu thốn, vất vả. Trong khi đó, người cao tuổi chính là một nguồn lực dồi dào nếu xã hội tạo điều kiện để họ phát huy được năng lực công hiến, làm việc
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tran-bich-thuy-300x180.jpg

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam.

Đừng nghĩ già thì “thải”

Thế nào thì được coi là người già thưa bà?

Việt Nam đang trong bối cảnh già hóa dân số, những việc làm để hỗ trợ người cao tuổi cũng ở trong bối cảnh riêng đó. Các độ tuổi khác nhau thì nhu cầu khác nhau, mức sống khác nhau và đặc thù riêng.

Ở Việt Nam, người cao tuổi được chia ra các nhóm theo độ tuổi, từ 60-69 là nhóm người cao tuổi còn trẻ, nhóm 70-79 là người cao tuổi trung bình. Nhóm 80 trở lên là người già.

Không nên gọi tất cả những người cao tuổi là người già. Nhóm 60-69 tuổi là nhóm có sức khỏe còn tốt, thì phải tạo điều kiện để họ phát huy tham gia lao động sản xuất, nhóm trung bình thì phải vừa chăm sóc, vừa phát huy, còn nhóm người già thì thiên về chăm sóc.

Vậy người cao tuổi có đồng nghĩa với không hoặc ít còn khả năng lao động, nên nghỉ hẳn?

Tôi nghĩ đó là quan niệm rất sai lầm mà nhiều người mắc phải, cứ cho rằng già rồi thì còn làm gì nữa. Thực ra ở tầm tuổi 60 đến 70, đa phần rất minh mẫn, thậm chí là ở đỉnh cao của nghiên cứu. Thậm chí có những người 80 rồi nhưng trí óc vẫn còn rất tốt. Xã hội phải thay đổi nhận thức.

Những năm 60 của thế kỷ trước, tuổi thọ của người Việt Nam là 40 tuổi, nhưng giờ tuổi thọ trung bình đã tăng lên 73 rồi. Đó là một khoảng cách rất xa nhưng chúng ta vẫn giữ quan niệm của những năm 60 thì không ổn. Nghĩ như vậy thì đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội của xu hướng già hóa.

Bà có thể nói rõ hơn?

Nói rằng người cao tuổi là cần phải nghỉ ngơi và được chăm sóc, nói như vậy là chưa đầy đủ. Đừng nghĩ như thế, cần thay đổi nhận thức về người cao tuổi.

Sau khi nghỉ hưu, người ta có rất nhiều năm sống nữa, nên nếu nghĩ vậy thì sẽ lãng phí một nguồn nhân lực lớn gây lãng phí cho quốc gia. Nhà nước nên có các chính sách phù hợp với từng nhóm người cao tuổi khác.

Tính chất công việc, mục đích làm việc của người cao tuổi hẳn là khác người trẻ?

Đúng thế, người già sống vui, khỏe, có ích. Yếu tố có ích rất quan trọng, nó không chỉ là ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội.

Khi họ được làm việc, họ được thấy mình có ích thì đầu óc họ cũng trở nên minh mẫn hơn, tinh thần thoải mái, dễ chịu hơn. Yếu tố đó quan trọng vô cùng.

Nhưng xã hội lại chưa nhìn nhận đúng mức để có đầu tư đúng mức. Nhiều người cao tuổi vẫn đi dạy miễn phí cho trẻ em nghèo, vẫn làm các viện thiện nguyện. Nếu họ không làm như thế thì họ sẽ không được khỏe như thế.

Ít người chuẩn bị cho tuổi già

Đời sống kinh tế của người cao tuổi ở Việt Nam có điều gì đáng bàn không thưa bà?

Tỉ lệ người cao tuổi sống trong hộ nghèo là 22,3%, đó là số liệu của Tổng cụ Thống kê năm 2014, số người cao tuổi ở hộ cận nghèo thì hiện không có số liệu.

Số lượng người cao tuổi có lương hưu, bảo hiểm xã hội thì đang còn hạn chế. Có đến 60% người cao tuổi cho biết thu nhập không đáp ứng được các nhu cầu sống cơ bản và chỉ có 2% cho rằng họ có cuộc sống dư dả. Đến 90% người cao tuổi Việt Nam không có tiết kiệm cho tuổi già, chỉ có 10% là có.

Điều này được lý giải thế nào?

Đa số người cao tuổi hiện nay là kinh qua giai đoạn chiến tranh, giai đoạn sức khỏe dồi dào nhất thì phải phục vụ cho chiến tranh. Hòa bình lập lại, chỉ tập trung lo mưu sinh, lo cho con cái nên không để ý việc tích lũy để tiêu dùng tuổi già.

Tâm lý người Việt Nam, có bao nhiêu là đầu tư hết vào con cái. Trong khi đó ở phương Tây, người ta mua bảo hiểm từ rất sớm, khi nghỉ hưu thì họ chỉ việc hưởng thụ khoản đóng bảo hiểm đó thôi.

Chỉ vì lo cho con mà nhiều người cao tuổi phải sống kham khổ, có thể hiểu như thế?

Tâm lý chung là thế, ngay cả thế hệ trẻ hiện nay cũng ít người nghĩ đến lo cho tuổi già. Đầu tư cho con cái là rất đúng, nhưng tôi nghĩ không nên bỏ tất cả tiền bạc vào đó mà mỗi người phải có một sự chủ động cho cuộc sống của mình khi về già.

Khi chủ động được thì cũng đồng nghĩa là giúp con, không phải phụ thuộc vào con. Nhiều bác tiếp xúc với chúng tôi đều nói rằng, rất muốn đi chỗ này chỗ khác, nhưng ngại xin con tiền. Kể cả người có lương hưu thì cũng vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu cuộc sống.

Người có lương thì tôi tưởng không đến mức đó chứ?

Tỉ lệ người cao tuổi có lương hưu, có trợ cấp xã hội là khoảng trên 30%, số tiền mà người cao tuổi nhận được hàng tháng không phải là cao nên có rất ít người sống sung túc khi về già.

Con cái đừng nghĩ rằng bố mẹ không đầu tư hết cho mình là không vì mình. Bố mẹ mà bị ốm đau vào viện thì con cái rất ảnh hưởng đến tâm lý, công việc, tài chính…

Người cao tuổi đừng coi cao tuổi là dấu chấm hết của cuộc đời. Người Nhật Bản đón nhận giai đoạn này với tinh thần lạc quan rất lớn vì họ cho rằng, đây mới chính là giai đoạn để sống cho bản thân mình. Muốn vẽ, muốn học tiếng Anh, khiêu vũ… thì đây mới là giai đoạn để thực hiện. Tất nhiên để làm được điều đó thì phải có sức khỏe và điều kiện kinh tế tốt.

1 người có 4 bệnh

Sức khỏe có lẽ là vấn đề quan tâm hàng đầu của người cao tuổi, chị có thông tin gì về lĩnh vực này đối với người cao tuổi ở Việt Nam?

Theo các điều tra về người cao tuổi ở Việt Nam thì đa phần một người cùng lúc có nhiều bệnh, trung bình mỗi người bị 4 bệnh. Đây là tình trạng phổ biến. Vấn đề là ý thức đi khám định kỳ kém, có nhiều lý do vì kinh tế eo hẹp, không quan tâm nhiều đến sức khỏe.

Rồi người cao tuổi không đi xa được, chỉ đi được đến trạm xá thôi, mà trạm xá thì điều kiện y tế kém để cung cấp dịch vụ khám chữa tốt. Mà đi xa hơn thì người cao tuổi không đi được. Thậm chí nhiều người có bệnh cũng kệ, nghĩ rằng đó là bệnh già, có tuổi thì có bệnh.

Họ chỉ đi khám chữa khi bệnh đã quá nặng, nên chi phí phải bỏ ra là rất lớn. Làm thế nào để tuyên truyền người cao tuổi đi khám thường xuyên để kiểm soát được sức khỏe của mình.

Điều kiện y tế chưa tốt có lẽ cũng là lý do người cao tuổi ngại khám chữa?

Đúng là thế, nhiều nơi họ không hiểu tâm lý người cao tuổi. Có bác than thở, khi đi khám bảo hiểm thì nhân viên y tế bảo, vừa đi khám tháng trước giờ lại đi khám, nên các bác ngại, không muốn đi.

Có khi chỉ một câu nói thôi cũng khiến người cao tuổi về suy nghĩ mãi. Thế là họ lựa chọn phương pháp tự mua thuốc về uống, hoặc là bệnh không thể chịu đựng thêm được nữa thì mới đi khám.

Hệ thống bảo hiểm y tế ở Việt Nam đang rất phát triển đấy chứ?

Đúng thế, đã có những sự cải thiện đáng kể chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhưng hiện cũng chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là con số thấp so với các nước khác.

Điều tra người cao tuổi năm 2011 thì gần 5% cho biết sức khỏe tốt, 35% sức khỏe bình thường, còn lại là 65% cho biết sức khỏe yếu hoặc rất yếu. Phần lớn người cao tuổi cho rằng sức khỏe của mình không tốt.

Thời gian tới thì phải làm thế nào đó để người cao tuổi có điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Còn về tinh thần, đời sống tinh thần của người cao tuổi cũng là vấn đề đáng bàn?

Nhiều người cứ đóng đinh quan niệm rằng, ôi dào, già rồi thì còn đẹp với ai nữa, ăn diện để làm gì, múa hát để làm gì… Tôi đi miền núi, thấy một cô mặc chiếc áo hồng rất đẹp, tôi khen cô mặc đẹp quá.

Cô ấy bảo “già rồi, đẹp gì nữa”. Bản thân suy nghĩ đó làm cho mình bị già đi. Nên trong chính người cao tuổi cũng phải thay đổi nhận thức để sống lạc quan, có ích hơn.

Xin cảm ơn bà!

  Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top