Trên thị trường tài chính, chứng chỉ tiền gửi được coi là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Sản phẩm này phù hợp với các khách hàng có nguồn tài chính nhàn rỗi, ổn định, có xu hướng chọn kênh đầu tư an toàn mà vẫn được hưởng lãi suất hấp dẫn.
Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of deposit) là loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Chứng chỉ tiền gửi áp dụng lần đầu tiên ở Mỹ lần đầu tiên vào năm 1961, sau đó được lưu hành rộng rãi trên thế giới.
Người sở hữu chứng chỉ này sẽ được hưởng lãi suất và được quyền cho, tặng và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành tương tự như hình thức sổ tiết kiệm
Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, chứng chỉ tiền gửi trở thành sản phẩm tài chính có swcs hút khá tốt. Hàng loạt các ngân hàng thương mại như VIB, VPBank, VietcomBank liên tục chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn nhất, thậm chí còn được nhiều người gọi là "siêu lãi suất" là ở các kỳ hạn dài.
Tổng giám đốc SHB - ông Nguyễn Văn Lê - cho biết, chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Đồng thời lại có điều kiện tham gia dễ dàng, nên chương trình này sẽ phù hợp với đại đa số khách hàng.
Với chứng chỉ tiền gửi, ngân hàng huy động được vốn dài hạn để cơ cấu nguồn vốn khi quy định giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50%.
Do đó, đây cũng là một cách để nhiều ngân hàng lựa chọn để gia tăng nguồn vốn dài hạn, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm về mức 40% kể từ đầu năm nay…
Điểm khác biệt là loại hình tiền gửi này có mức sinh lời cao - yếu tố đầu tiên thu hút người có tiền nhàn rỗi – và được chuyển nhượng cho người khác hoặc NH.
Tại Sacombank, khách hàng tham gia chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48%/năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88%/năm cho năm đầu tiên.
LienVietPostBank cũng phát hành chứng chỉ trung hạn (18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng, với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm.
Ngân hàng Việt Á chỉ kỳ hạn từ 6 -18 tháng đã hưởng lãi suất 6,9 - 8,2%/năm. Cũng tại ngân hàng này, không chỉ thời hạn được kéo ngắn xuống, mệnh giá chứng chỉ cũng được kéo xuống chỉ còn từ 1 triệu đồng/chứng chỉ.
Riêng tại SHB, với số tiền tối thiểu từ 1 triệu đồng, các khách hàng cá nhân đã có thể tham gia chương trình và được hưởng lãi suất hấp dẫn. Với chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm. Chương trình sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 6/6/2019 hoặc cho đến khi đủ khối lượng phát hành
Đối với khách hàng doanh nghiệp, SHB triển khai chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao vượt trội lên tới 8,2%/năm. Các khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình với số tiền chỉ từ 500 triệu đồng và lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng. Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 30/6/2019.
Khách hàng tham có chứng chỉ tiền gửi của SHB còn có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống của ngân hàng này tại Việt Nam với lãi suất cầm cố ưu đãi, bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi. Đồng thời, cũng có thể dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại SHB và các tổ chức tín dụng khác hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng… theo quy định của SHB và của pháp luật.