Theo đó hạn mức room tín dụng được tăng thêm tại một số ngân hàng dao động từ dưới 1% đến 4% tùy vào “sức khỏe” tài chính của mỗi ngân hàng, ví vụ như sau: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB khoảng 3,1%; VIB (3%); Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%, LienVietPostBank là dưới 1%...
Một trong những tiêu chí quan trọng để được nới Room là "sức khỏe" tài chính của tổ chức tín dụng |
Theo cập nhật, hiện có khoảng 15 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng lần này. Đồng thời, đến sáng ngày 8/9, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng đã xác nhận với báo chí về hạn mức được tăng thêm.
Việc điều chỉnh room tín dụng đợt này được các chuyên gia tài chính đánh giá sẽ là điều kiện tốt để các tổ chức tín dụng chủ động, tích cực hơn nữa tham gia vào việc triển khai chính sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 sẽ không bị chậm trễ.
Báo cáo từ các ngân hàng thương mại cho thấy, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt mới đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ. Động thái cấp phép thêm room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ là động lực để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân gõi hỗ trợ theo Nghị định 31.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.
“Về mức độ tăng thêm không đồng đều, chủ yếu do hồi đầu năm, một số ngân hàng đã được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nay mức độ cấp thêm sẽ ít hơn so với các ngân hàng còn lại”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Được biết, trong năm 2022, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố nới hạn mức tín dụng cho tổ chức tín dụng. Các năm trước, nhà điều hành thường có 1-2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Nhiều tổ chức tin dụng được cấp phép hoạt động ở nước ta, trong đó có 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước làm chủ sở hữu; 31 ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng Nhà nước quản lý vận hành; 2 ngân hàng liên doanh và khoảng 62 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Việc nới room tín dụng được các ngân hàng chờ đợi từ lâu, khi trước đó, tại một hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức để triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, tất cả các ngân hàng được phát biểu ý kiến đều cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và rất ủng hộ việc thực hiện chính sách. Thế nhưng, đại diện các ngân hàng cũng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng….