Ngày 22/01/2019, Văn phòng Chính phủ ra văn bản đồng ý để Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (Bộ VHTT&DL) thực hiện cơ chế đặt hàng sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018 – 2021. Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm về đặt hàng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Khẩn trương rà soát kế hoạch sản xuất phim đến năm 2021, đề xuất nhu cầu kinh phí, gửi Bộ Tài chính trong tháng 01/2019.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL rà soát, thẩm định, đề xuất mức phân bổ dự toán hàng năm cho sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Căn cứ văn bản của Văn phòng Chính phủ, Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai, đề xuất theo phương án phù hợp rồi trình lên Bộ. Bộ VHTT&DL sẽ căn cứ báo cáo, đề xuất của Cục Điện ảnh để đưa sang Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sau đó sẽ nộp Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Nhìn vào quy trình thì rất đơn giản. Nhưng kế hoạch sản xuất phim truyện (được xác định là nhiệm vụ chính trị của Bộ VHTT&DL) lại chậm trễ đến 5 tháng liền. Và đến nay thì vẫn chưa rõ khi nào Bộ VHTT&DL sẽ hoàn thành kế hoạch được giao.
Hội đồng chỉ có 3/9 người
Lý do tại sao kế hoạch sản xuất phim truyện theo đặt hàng của Chính phủ lại bị chậm trễ? Theo nguồn tin riêng của Báo KH&ĐS, sau khi có Văn bản của Văn phòng Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Cục Điện ảnh đã đề xuất lên cấp trên danh sách 8 kịch bản phim truyện.
Ngày 08/04/2019 (tức là quá hạn hơn 2 tháng so với hạn cuối nộp kế hoạch theo Văn bản của Chính phủ), Cục Điện ảnh mới có Công văn số 229/ĐA-VP về việc đăng ký kế hoạch đặt hàng và tạm đề xuất nhu cầu kinh phí sản xuất phim giai đoạn 2018-2021.
Theo đó, tổng kinh phí đặt hàng sản xuất phim truyện của năm 2018 là 155 tỉ đồng, với 8 phim được đưa vào kế hoạch sản xuất (chưa tính phim tài liệu và phim hoạt hình). Trong 8 phim truyện đó, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam được đề xuất thực hiện 3 phim, với tổng kinh phí là 64 tỉ đồng (“Bình minh đỏ”, “Hồn trúc”, “Có một ngôi nhà để trở về”).
Sau nhiều lần Bộ VHTT&DL hối thúc, ngày 05/06/2019, Cục Điện ảnh có Công văn báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT& DL về kết quả họp Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện năm 2018
Đến ngày 06/06/2019, Cục Điện ảnh có văn bản gửi Bộ về việc đề xuất nội dung liên quan đến kế hoạch đặt hàng và nhu cầu kinh phí sản xuất phim giai đoạn 2018-2021.
Theo đề xuất này, tổng nhu cầu kinh phí đặt hàng sản xuất phim năm 2018 là 114.937.759.534 đồng (bao gồm cả phim tài liệu và phim hoạt hình. Có nghĩa là tổng kinh phí đề xuất đã giảm nhiều). Trong đó có 3 phim truyện được đưa vào kế hoạch sản xuất là: “Bình minh đỏ” với kinh phí sản xuất là 30 tỉ đồng. 2 phim truyện còn lại cùng có kinh phí sản xuất 17 tỉ đồng là “Đất rừng phương Nam” và “Phượng cháy”
Cũng theo đề xuất trong văn bản gửi Bộ VHTT&DL về kế hoạch đặt hàng sản xuất phim năm 2019, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam được giao thực hiện bộ phim tài liệu “Cayxorn Phômvihẳn – Người con ưu tú của dân tộc Lào” – Thời lượng 30 phút, kinh phí sản xuất 1.850.000.000 đồng
Đáng nói, sau đề xuất của Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL đã có văn bản phản hồi. Cụ thể, theo quy định, trước khi Cục Điện ảnh trình lên lãnh đạo Bộ VHTT&DL thì phải họp Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện. Tuy nhiên, các kế hoạch lựa chọn kịch bản phim vốn đã bị chậm do nhiều vướng mắc, nay lại thêm việc họp Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim trái quy định khiến kế hoạch sản xuất phim tiếp tục chậm trễ, kéo dài.
Bất thường trong khâu thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim đã bị Bộ VHTT&DL “tuýt còi”. Cụ thể, Bộ yêu cầu Cục Điện ảnh hủy bỏ kết quả Họp hội đồng Trung ương về tuyển chọn kịch bản phim truyện vì Hội đồng chỉ có 3/9 người tham gia, không có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng. Trong khi đó, đúng quy định thì Hội đồng phải có 9 người bao gồm có thành phần gồm có cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư... Thứ hai là kinh phí đề xuất sản xuất phim truyện phục vụ mục tiêu chính trị lên đến hàng trăm tỉ đồng – vượt quá nhiều khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Đến đây, nhiều người thắc mắc về tính minh bạch của kế hoạch đề xuất sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị theo đặt hàng của Chính phủ. Chẳng hạn, nếu kế hoạch được cấp trên đồng ý thì Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ trúng nhiều kịch bản với giá trị kinh tế lớn.
Thêm nữa, việc Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim chỉ có 3/9 người người dự họp, không có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhưng Cục Điện ảnh vẫn lấy kết quả họp Hội đồng này trình lên Bộ. Vấn đề ở chỗ Hội đồng trái quy định này là do thiếu hiểu biết các quy định liên quan hay cố tình?
Để tìm hiểu thông tin việc này, PV KH&ĐS đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hà, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh. Tuy nhiên đến nay PV vẫn chưa nhận được lời giải thích nào từ phía bà Nguyễn Thị Thu Hà.