Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, trong các bản tin dự báo thời tiết hay cảnh báo nắng nóng của cơ quan khí tượng luôn có các con số nhiệt độ cụ thể. Đây là số nhiệt độ thực tế của khí quyển. Còn cảm giác thực tế đều cao hơn nhiệt độ khí quyển, với độ chênh lệch không phải là nhỏ. Con người không hề cảm nhận được nhiệt độ thực tế. Cái mà bạn cảm nhận được chỉ là tốc độ trao đổi nhiệt của cơ thể với môi trường.
Khi nhiệt độ môi trường quá thấp so với nhiệt độ trong cơ thể, sự mất nhiệt diễn ra nhanh và hệ tuần hoàn phải hoạt động mạnh hơn để bảo đảm thân nhiệt, việc đó gây ra cảm giác lạnh. Ngược lại, khi nhiệt độ môi trường cao thì bạn "được" tiếp thêm lượng nhiệt không mong muốn, do đó, bạn có cảm giác nóng. Nói cách khác, bạn chỉ cảm nhận được sự mất nhiệt hoặc nhận thêm nhiệt chứ không hề cảm nhận được nhiệt độ của khí quyển.
Cảm giác thực tế của con người khác với nhiệt độ thực của khí quyển. Sự khác biệt này do rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn, độ ẩm quá thấp thì không khí khô và bạn sẽ thấy nóng rát hơn, ngược lại độ ẩm quá cao sẽ ngăn cản sự thoát nhiệt qua mồ hôi và do đó cũng gây nóng. Một yếu tố quen thuộc nữa là gió. Cũng nhiệt độ ấy nhưng khi bật quạt điện không khí dịch chuyển liên tục khiến lớp không khí tiếp xúc trực tiếp với da của bạn liên tục bị thổi dạt và thay bằng lớp không khí khác, ta cảm thấy mát hơn.
Ngoài ra, việc nhiệt kế đo được ngoài phố vào giữa trưa không phải nhiệt độ thuần túy của khí quyển mà nó được kết hợp với nhiệt độ bức xạ trực tiếp từ Mặt Trời. Nếu mang nhiệt kế đó vào bóng râm thì chỉ số sẽ giảm ngay vì đó mới là nhiệt độ thực của khí quyển.